Người Việt có rất nhiều trò chơi cho mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi mùa, cho cá nhân và cho tập thể. Có những trò chơi thể hiện thú thưởng thức rất thanh cao như thả chim, thả diều, cờ tướng… Lại có những trò chơi mang tính thể thao và cộng đồng mạnh mẽ như kéo co, đánh đu, đánh vật, đua thuyền. Rất nhiều trò chơi mang dấu ấn lịch sử và đậm đà bản sắc như vật cù, nấu cơm thi, đánh pháo đất. Trò chơi trẻ em thì rất nhiều và mỗi địa phương mỗi sắc thái khác nhau. Lễ hội mùa xuân là nơi tập trung rất nhiều cho chơi dân tộc.
1. Tên gọi:
Dân tộc Việt
2. Tên gọi khác:
Dân tộc Kinh
3. Dân số:
73.594.341 người, chiếm 86,83% dân số toàn quốc (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
4. Ngôn ngữ:
Người Việt có tiếng nói và chữ viết riêng. Tiếng Việt nằm trongnhóm ngôn ngữ Việt Mường (ngữ hệ Nam Á).
5. Lịch sử:
Tổ tiên người Việt từ rất xa xưa đã định cư chắc chắn ở Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, người Việt luôn là trung tâm thu hút và đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
6. Hoạt động sản xuất:
Nông nghiệp lúa nước đã được hình thành và phát triển ở người Việt từ rất sớm. Trải qua bao đời cày cấy, ông cha ta đã tổng kết kinh nghiệm làm ruộng rất sâu sắc: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hệ thống đê điều kì vĩ ngày nay là sự chứng minh hùng hồn tinh thần ngoan cường chế ngự tự nhiên để sống và sản xuất nông nghiệp của ông cha ta. Chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, thả cá… cũng rất phát triển. Ðặc biệt con trâu trở thành “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Người Việt nổi tiếng “có hoa tay” về nghề thủ công nghiệp, phát triển bách nghệ – trăm nghề mà nghề nào dường như cũng đạt đến đỉnh cao của sự khéo léo tài hoa. Không ít làng thủ công đã tách khỏi nông nghiệp. Chợ làng, chợ phiên, chợ huyện… rất sầm uất. Hiện nay, các đô thị và các khu công nghiệp đang ngày càng phát triển trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Làng truyền thống có trật tự, kỷ cương. Ðằng sau luỹ tre xanh và cổng làng là một cộng đồng tương đối khép kín.Thờ cúng tổ tiên là hoạt động tinh thần quan trọng bậc nhất của người Việt. Có nhiều cách bố trí của bàn thờ. Bàn thờ có thể kê trên giường cao, giường cầu hay bàn. Trên bàn thờ có khám (ngai, ỷ hay ảnh), mâm triện (mâm bồng), mâm dài (đài rượu, đài trầu, kê trên tam sơn) cùng ngũ sự (đỉnh, hai cây nến, hai cây đèn) hay tam sự (đỉnh, hai cây nến), bát hương. Y môn có thể bằng gỗ hay vải.
7. Ăn:
“Cơm tẻ, nước chè” là đồ ăn, thức uống cơ bản hàng ngày của người Việt. Ðồ nếp chỉ gặp trong những ngày lễ tết. Trong bữa ăn hàng ngày thường có món canh rau hay canh cua, cá… Ðặc biệt người Việt rất ưa dùng các loại mắm (mắm tôm, cá, tép, cáy…) và các loại dưa (cải, hành, cà, kiệu). Tương và các loại gia vị như ớt, tỏi, gừng… cũng thường thấy trong các bữa ăn. Rượu được dùng trong các dịp lễ tết, liên hoan… ¡n trầu, hút thuốc lào trước kia chẳng những là nhu cầu, thói quen mà còn đi vào cả lễ nghi phong tục.
8. Mặc:
Xưa kia, đàn ông thường mặc quần chân què, áo cánh nâu (Bắc bộ), màu đen (Nam bộ), đi chân đất; ngày lễ tết mặc quần trắng, áo chùng lương đen, đội khăn xếp, đi guốc mộc. Ðàn bà mặc váy đen, yếm, áo cánh nâu, chít khăn mỏ quạ đen (Bắc bộ). Phụ nữ ngày lễ hội hè mặc áo dài. Mùa đông, cả nam và nữ thường mặc thêm áo kép bông. Y phục phân biệt giữa các lứa tuổi chỉ ở màu sắc và cỡ quần áo; giữa kẻ giàu, người nghèo ở chất liệu vải lụa và chỉ có người giàu sang mới dùng đồ trang sức.
Từ đầu thế kỷ trở về trước, người ta còn thấy đàn ông thôn quê đóng khố, cởi trần.
9. Ở:
Người Việt thường ở nhà trệt. Trong khuôn viên thường được bố trí liên hoàn nhà – sân – vườn – ao. Ngôi nhà chính thường có kết cấu ba gian hoặc năm gian và gian giữa là gia trang trọng nhất, đặt bàn thời gia tiên. Những gian bên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, gian buồng được bố trí ở chái nhà làm chỗ ở của phụ nữ và cũng là nơi cất trữ lương thực, của cải của gia đình. Nhà bếp thường được làm liền với chuồng nuôi gia súc. ở nhiều tỉnh Nam bộ, nhà bếp thường được làm sát kề hay nối kề với ngôi nhà chính. Sân để phơi và để sinh hoạt gia đình và cũng để tạo không gian thoáng mát rất phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm.
10. Phương tiện vận chuyển:
Phương tiện vận chuyển của người Việt rất phong phú và có thể phân hai loại như sau:
- Bằng đường bộ có: gánh (gánh quang, gánh cặp, đòn gánh, đòn sóc, đòn càn…) vác, khiêng (đòn khiêng), cáng, đội, đeo (bị, tay nải…), cõng (ba lô, bao tải…). Thồ, chở bằng các loại xe: xe đạp, xe kéo, xe đẩy, xe ngựa, xe trâu, xe bò…
- Bằng đường thuỷ có: thuyền, bè, xuồng, tàu… Mỗi loại này lại có nhiều kiểu dáng, to nhỏ, vật liệu chế tác và trang thiết bị khác nhau.
11. Quan hệ xã hội:
Ðại bộ phận người Việt sinh sống thành từng làng, dăm ba làng họp lại thành một xã.
Nhiều xã cũng chỉ bao gồm một làng lớn và một số xóm độc lập mới tách ra từ làng lớn. Trong làng thường có nhiều xóm, có xóm lớn tương đương với thôn và thôn Bắc bộ gần tương tự như một ấp của Nam bộ. Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi làng có một tổ chức hành chính – tự quản riêng khá chặt chẽ. Tổ chức Phe Giáp làm nơi quy tụ của dân làng để lo toan nhiều công việc của làng xã từ quản lý nhân đinh đến việc hiểu, việc tế lễ Thành hoàng. Những làng thủ công còn có tổ chức phường hội của những người cùng nghề nghiệp. Ðặc biệt, trong làng, sự phân chia dân nội tịch và dân ngoại tịch (ngụ cư) được quy định rõ trong Hương khoán ước của làng. Lệ làng được quy định một cách tương đối toàn diện và chặt chẽ về các mặt hoạt động của làng buộc mọi người thừa nhận và tự giác thực hiện.
12. Gia đình:
Gia đình của người Việt hầu hết và những gia đình nhỏ gồm 2 thế hệ theo chế độ phụ quyền nhưng phụ nữ vẫn giữ vai trò quan trọng, thường là người quản lý kinh tế trong gia đình.
Người Việt có rất nhiều dòng họ, có những họ rất phổ biến như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Vũ… dường như địa phương nào cũng có. Mỗi tộc họ, thường có nhà thờ tổ riêng, họ lại chia ra làm nhiều chi phái và mỗi chi phái lại bao gồm nhiều nhánh. Mỗi nhánh lại bao gồm các anh em cùng bố mẹ, ông bà. Quan hệ họ nội được truyền giữ bền chắc qua nhiều đời. Anh em họ hàng (kể cả họ nội và họ ngoại đều yêu thương giúp đỡ lẫn nhau).
13. Cưới xin:
Người Việt rất coi trọng tình yêu trong trắng chung thuỷ. Dưới thời phong kiến thường là “cha mẹ đặt đâu còn ngồi đấy”, ngày nay nam nữ tự tìm hiểu. Ðể đi đến hôn nhân – thành vợ thành chồng, nghi lễ cưới xin truyền thống ở người Việt phải trải qua mấy bước cơ bản sau:
- Dạm: nhờ một người làm mối đến nhà gái ướm hỏi trước.
- Hỏi: Sắp lễ vật sang thưa chuyện chính thức với gia đình và họ hàng nhà gái.
- Cưới: Tổ chức lễ trình tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm, tổ chức rước râu về nhà trai.
- Lại mặt: Cô dâu, chú rể về thăm lại nhà bố mẹ đẻ (nhà gái).
Qua các bước này và dĩ nhiên trước đó phải qua đăng ký kết hôn thì đôi trai gái chính thức trở thành cặp vợ chồng mới.
14. Ma chay:
Việc tổ chức tang ma của người Việt rất trang nghiêm, chu tất và thường được thực hiện qua các bước cơ bản sau: liệm, nhập quan, đưa đám, hạ huyệt, cúng cơm, cúng tuần “tứ cửu”, cúng “bách mật”, để tang, giỗ đầu, cải táng… và cứ mỗi độ Thanh Minh, mỗi kỳ giỗ tết, các gia đình lại đi đắp lại mộ và tổ chức cúng lễ. Cải táng là một phong tục rất thiêng liêng của người Việt.
15. Nhà mới:
Người Việt có câu: “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”. Nhà hướng nam thì ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Khi làm nhà, ngoài việc chọn hướng còn phải xem tuổi và định ngày tháng tốt để khởi công xây cất. Và khi làm xong thì chọn ngày tốt cúng rước tổ tiên về nhà mới và ăn mừng nhà mới.
16. Thờ cúng:
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà: được cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết trong năm. Tục thờ thổ công, táo quân, ông địa phổ biến ở các nơi. Rất nhiều gia đình thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật, nơi thờ Ðức Khổng Tử hay đền thờ phúc thần… Một bộ phận cư dân ở nông thôn hay thành thị còn theo đạo Thiên chúa, Tin lành và và các tôn giáo khác như Cao đài, Hoà hảo….
17. Lễ tết:
Tết nguyên đán là cái tết lớn nhất trong một năm. Sau tết âm lịch là các hội mùa xuân. Ngoài ra còn có nhiều lễ tết truyền thống khác trong một năm: Rằm tháng giêng, tết Thanh minh, lễ Hạ điền, lễ Thượng điều, tết Ðoan Ngọ, rằm tháng bẩy tết Trung thu, lễ cơm mới… Mỗi tết đều có ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.
18. Lịch:
Âm lịch từ lâu đã đi vào cuộc sống, vào phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Việt. Nhân dân ta dùng âm lịch để tính tuổi, tính ngày giỗ, tính thời vụ sản xuất, tính ngày tốt xấu để dùng cho các công việc lớn của cuộc đời như làm nhà, cưới hỏi, cải táng… Dương lịch là lịch pháp chính thức hiện nay, ngày càng được dùng rộng rãi trong đời sống.
19. Học:
Người Việt từ lâu đã sử dụng chữ Hán, chữ Nôm và ngày nay chữ Quốc ngữ. Và ở kinh thành Thăng Long, ngay từ thời lý đã lập Văn Miếu – Quốc Tử Giám đào tạo các trí thức bậc cao, được coi là Trường Ðại học đầu tiên của Việt Nam.
20. Văn nghệ:
Văn học dân gian với nhiều thể loại phong phú: truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ… phản ánh toàn bộ mọi mặt cuộc sống của dân tộc. Văn học dân gian góp phần to lớn vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Văn học viết cũng đã đạt được những thành tựu to lớn ở giai đoạn Lý – Trần và đặc biệt từ thế kỷ XV về sau với các cây bút thiên tài: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Các bộ môn nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… phát triển cao, được chuyên nghiệp hoá.
21. Trò Chơi:
Người Việt có rất nhiều trò chơi cho mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi mùa, cho cá nhân và cho tập thể. Có những trò chơi thể hiện thú thưởng thức rất thanh cao như thả chim, thả diều, cờ tướng… Lại có những trò chơi mang tính thể thao và cộng đồng mạnh mẽ như kéo co, đánh đu, đánh vật, đua thuyền. Rất nhiều trò chơi mang dấu ấn lịch sử và đậm đà bản sắc như vật cù, nấu cơm thi, đánh pháo đất. Trò chơi trẻ em thì rất nhiều và mỗi địa phương mỗi sắc thái khác nhau. Lễ hội mùa xuân là nơi tập trung rất nhiều cho chơi dân tộc.