TRÒ CHƠI TỔ TÔM ĐIẾM
Thơ tổ tôm điếm.
( Sưu tầm Tổ tôm điếm hội Lim )
Đây là thơ thường in sau lưng quân bài để người dẫn bài hát xướng trong hội tổ tôm điếm:
Hàng Nhất
Đầu lòng hai ả Tố Nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vấn ( Nhất văn )
Đường đường mặt rộng mày cao
Múa quyền múa gậy lược thao hơn người ( Nhất sách )
Võ Tòng đả hổ tay không
Nổi danh vang tiếng anh hùng xưa nay ( Nhất vạn )
Hàng Yêu
Dáng hình trạc tuổi bảy mươi.(Ông cụ)
Dưỡng sinh tập luyện cho người thanh tao
Hợp duyên nên thắm chỉ hồng
Nay em đã có con bồng con mang.(Thang thang)
Nhìn người hiền dịu chẳng sai
Tay mang bình rượu mời ai thế này.(Chi chi)
Hàng Nhị
Khăn quàng quấn cổ mùa đông
Giữ thân cho ấm mũ bông đội đầu.(Nhị văn)
Cỏ non xanh tận chân trời
Đào phai điểm sắc một vài bông hoa.(Nhị vạn)
Cụ già khoác áo đường trơn
Gậy chống cho vững kẻo đường còn xa.(Nhị sách)
Hàng Tam
Qua sông lên phải lụy đò
Gậy mang bên nách chẳng lo đường lầy.(Tam văn)
Dáng người con gái đoan trang
Công dung ngôn hạnh xông xang bao người.(Tam vạn)
Đầu đội nón tay cầm dây
Chân cao chân thấp dây này buộc đâu.(Tam sách)
Hàng Tứ
Quan họ bưng một cơi trầu
Mời ai ai nhớ đến câu đừng về.(Tứ Văn)
Quê hương đổi mới lâu rồi
Sao anh còn nhớ một thời kéo xe.(Tứ vạn)
Đêm về đăng tỏa sáng lên
Bốn mùa tối lửa tắt đèn có nhau.(Tứ sách)
Hàng Ngũ
Cấy xong ngồi nghỉ trên bờ
Đầu còn đội nón đã mơ mùa màng.(Ngũ Văn)
Long đình rước hội mùa xuân
Trẻ già trai gái góp phần đông vui.(Ngũ vạn)
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.(Ngũ sách)
Hàng Lục
Trùy đồng sức nặng ngàn cân
Công phu luyện tập chuyên cần sớm hôm.(Lục Văn)
Trông trời, trông đất, trông mây
Lão nông dựng quốc mùa này bội thu.(Lục vạn)
Ông già chăn cháu tuổi thơ
Mai sau già khuất cháu thờ phụng ông.(Lục sách)
Hàng Thất
Vào chùa lễ hội cầu may
Tay bưng hòm sớ tỏ bày tâm can.(Thất Văn)
Gồng mình để đẩy tạ xa
Cuộc thi được nhất hay là nhì đây.(Thất vạn)
Nỗi buồn biết tỏ cùng ai
Ngậm ngùi than vắn thở dài sớm hôm.(Thất sách)
Hàng Bát
Cà kheo chân nối thêm dài
Vui chơi ngày hội đua tài khéo thay.(Bát Văn)
Lý ngư tháng tám hóa rồng
Hai ba tháng chạp táo ông được nhờ.(Bát vạn)
Thời xưa ngậm tẩu đam mê
Thời nay ngậm tẩu kể chê người cười.(Bát sách)
Hàng Cửu
Vác đèn chống gậy đi đâu
Đêm hôm khuya khoắt thỉnh cầu ai đây..(Cửu sách)
Một gùi vác nặng trên vai
Đố ai chữ nghĩa đọ tài cùng tôi.(Cửu văn)
Nữ oa đội đá vá trời
Thân tôi sớm tối đội vôi xây nhà…(Cửu vạn)
Tên trò chơi: TRÒ CHƠI TỔ TÔM ĐIẾM
Tổ tôm điếm, tổ tôm, tụ tam bài
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Dân tộc/ Khu vực: Việt
Lịch sử:
– Nguyên nhân là dưới thời Pháp thuộc, công ty A.Camoin & Cie của Pháp đã cho phát hành bộ bài tổ tôm với những hình trang trí lấy cảm hứng từ mĩ thuật Nhật Bản. Hình ảnh của bộ bài tổ tôm được giữ nguyên từ đó cho đến nay.
– Tổ tôm, một loại hình trò chơi bài lá dân gian phố biến ở miền Bắc Việt Nam. Thời xưa, Tổ tôm chủ yếu được tầng lớp thương lưu và trung lưu tiêu khiển. Thế nhưng, vì sao lại có tên gọi là Tổ tôm, chắc chẳng mấy ai biết. Theo các cụ cao niên kể lại, Tổ tôm có tên gọi xuất phát từ chữ “Tu tam” được đọc chệch ra và có nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách (của thể loại chắn). Trong các ngày lễ, Tết, Tổ tôm thường được nam giới và người già chơi vì nó có một số luật khá khó, nhiều nước biến hoá, thanh niên và phụ nữ thời xưa ít chơi. Thuở đó, khi gia đình nào có việc lớn như: Đám cưới, lên nhà mới, nhà có người qua đời,… gia chủ thường trải chiếu, pha nước mời trầu, thuốc để “hầu” các cụ chơi Tổ tôm hay đánh chắn qua đêm. Gia chủ nào được các cụ ngồi chơi thâu đêm, suốt sáng ấy là niềm may mắn và vinh dự lớn. Ngày nay, loại hình Tổ tôm điếm được hình thành và phát triển dựa trên những luật lệ và cách chơi của Tổ tôm cổ điển, nhưng được nâng tầm trở thành một loại hình nghệ thuật văn hóa.
Mục đích, ý nghĩa:
– Là một loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt, lễ hội của người dân Việt Nam.
– Gắn kết, tạo nên không khí vui tươi giữa mọi người với nhau.
– Hơn nữa đây là bộ môn linh hồn văn hóa- khoa học và trí tuệ.
– Thi Tổ tôm điếm thể hiện sự văn minh, tính nghiêm túc việc thưởng phạt, không mang tính chất cờ bạc, sát phạt nhau. Mỗi người tham gia thi phát huy tài trí, bảo đảm bí mật (Nhất cao, Nhì kín), rèn luyện nguyên tắc cho con người.
Số lượng người chơi:
Chủ điếm và các thành viên chơi tọa lạc độc lập trong 5 ngôi điếm (ngôi chòi nhỏ) hoặc đơn giản nhất cũng là 5 chiếc bàn cao ráo có đủ ghế ngồi chỉnh tề. ( Hoặc 4 người)
Chuẩn bị:
Dụng cụ chơi:
Bộ bài Tổ tôm điếm có 120 quân bài, có 30 chủng loại khác nhau, mỗi loại có 4 quân giống nhau, mỗi quân bài có in hình ảnh người và đồ vật, cành hoa theo lối tranh mộc bản. Ở mỗi đầu quân bài có một hình hoa cách điệu của 2 chữ nho, gồm chữ chất bài (vạn, văn, sách) và chữ hàng thứ tự từ 1 đến 9 (nhất đến cửu). Ngoài 3 chất, còn có 3 quân “yêu”: ông cụ, thang thang và chi chi. Các quân này coi như hàng nhất (để thuận tiện khi đọc, các quân hàng nhất đều gọi là “yêu”). Quân bài được in trên giấy đẹp, bìa cứng, có kích thước lớn (thông thường từ 5 x 20 cm) và sử dụng 2 bộ bài luân phiên có 2 mầu khác nhau.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
Khái Quát:
– Trong cuộc thi Tổ tôm điếm, ngôn ngữ chủ yếu không phải lời nói bình thường mà sử dụng hệ thống thông tin bằng tín hiệu gõ trống, bằng mầu sắc các loại cờ hiệu và giọng ngâm thơ (lảy Kiều) của người giao bài. Những hồi trống rộn rã, mầu cờ rực rỡ các loại, âm thanh trầm bổng của người ngâm thơ.
– Nguyên tắc: Đủ bài, đủ lưng, trên cơ sở ăn 1 đánh 1 và nâng cao trí tuệ, sáng tạo khi xử lý các nước bài để nhanh chóng tròn bài (hoặc bài chờ) nhằm ù đúng thời cơ.
– Ngoài việc lựa lấy người “hợp cạ” cùng mình ngồi điếm, người ta còn phải thính tai nhanh trí phán đoán quân. Ví như chỉ cần nghe câu lảy Kiều “Vào chùa lễ Phật…” là đã phán đoán ngay quân bài “thất sách”, hoặc nghe câu “Tiện đây mận mới hỏi đào…” đã hiểu cây “nhị sách” đang ra… Chậm một nước là điếm bên đã nhanh tay “phỗng” mất “ù”, chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc. Sự tài trí hoặc khiếm khuyết và may mắn của mỗi người thi, được thể hiện bằng số điểm thưởng hoặc phạt của mỗi ván bài và cả hội chơi.
– Bài chia thành 5 phần, mỗi phần 24 quân, mỗi người một phần, 1 phần để làm bài nọc; ù phải có đủ 2 lưng, không có ù thông, không ù thập hồng mà ù thập nhị hồng, không có ù kính cố mà ù kính nhị cố.
Thang thang thuộc hàng văn theo:
Cửu vạn, cửu sách, Thang thang hay
Ông Cụ Cửu sách Thang thang
Theo 3 quân đỏ thêm vào quân yêu thì
Ông Cụ, Thang Thang, Chi chi, lại có thể
coi Thang Thang là hàng sách
Cách cầm bài và xếp bài
– Bài cầm trên một bàn tay, xòe như cầm quạt giấy, quân yêu xếp ở giữa quạt, trên các quân khác, không che lấp các quân sau. Quân xếp theo từng phu, các phu liên quan xếp gần nhau, các quân lẻ cần đánh đi để riêng. Hết sức chú ý không được để lấp quân nào, nếu lấp không trông thấy rõ sẽ dễ bị bỏ ù hoặc ù sai vì vẫn còn quân thừa.
– Các quân bài trên tay hay trên chiếu phải xếp theo phu: 3 quân trở lên xếp hàng ngang là phu bí (như tứ vạn, tứ sách, tứ văn hay thất vạn, thất sách, thất văn;), 3 quân trở lên xếp hàng dọc theo thứ tự liên tục là phu dọc (thí dụ Nhất vạn, nhị vạn, tam vạn; ngũ văn, lục văn, thất văn, bát văn, cửu văn; nhị sách, tam sách, tứ sách rồi tứ sách, ngũ sách, lục sách, thất sách, bát sách.)
– Có 2 quân giống nhau, được ưu tiên phỗng con thứ 3 cũng thành phu lưng.
Thiên khai (4 quân giống nhau) cũng là phu lưng.
Bài xếp dưới chiếu
Bài xếp dưới chiếu phải theo quy định nghiêm ngặt như sau:
– Có khàn phải để úp xuống chiếu (để mọi người biết dự đoán khi cần thiết)
– Quân ăn của làng thành phu bí phải để dưới cùng phía trên; mình có quân nào giống quân ấy nhất thiết phải hạ xuống để trên quân ấy, nếu có 2 quân giống thì quân thứ hai phải để trên cùng thành 5 quân ( ăn 5 binh).
– Quân ăn thành phu dọc phải xếp thành hàng dọc, cũng theo thứ tự quân ăn của làng phải để dưới cùng, nếu ăn phu dọc trên tay của mình còn quân giống quân mình ăn cũng phải hạ phu có quân mình ăn xuống, quân giống của làng cũng phải để dưới cùng. Khi quân đến cửa minh nối tiếp với phụ dọc mình có trên chiếu, mình không ăn phải hạ quân trùng trên tay xuống phu dọc ấy để làng biết. Quân để dưới chiếu không đúng thứ tự trên gọi là trái vỉ; quân phải để dưới chiếu mà vẫn cầm trên tay gọi là treo tranh ( Treo tranh, trái vỉ nghỉ ăn tiền).
– Có thiên khai phải úp xuống chiếu rồi trình làng khi làng bốc quân đầu tiên ở nọc. Nếu mình là cái thì phải mở thiên khai trước rồi mới đánh quân. Ai đang chờ quân của thiên khai có thể hạ ù. Ai có khàn khi quân giống khàn lên thì phải dậy khàn thành thiên khai không dậy là thối khàn. Thối khàn mà ù không được ăn tiền (tính điểm). Nếu quân ấy đến đúng cửa của mình thì có thể vừa dậy khàn vừa ăn thành phu dọc.
Điều kiện ù, các loại ù và cách tính điểm
- Điều kiện ù:
Phải có các điều kiện sau:
– Bài phải tròn, có đủ 21 quân kể cả quân ăn để ù, toàn bộ các quân bài phải xếp được vào các phu không còn một quân riêng lẻ nào ở ngoài, có ít nhất 1 lưng, ai là cái khi lên bài mà bài đã tròn, đủ lưng thì hạ bài gọi là Thiên ù.(bài quá đẹp trời cho ù ngay)
– Ù không được tính điểm, chỉ được cái:
- Bỏ ù: quân trước đến không ù lại ù quân sau.
- Treo tranh: quân phải để dưới chiếu vẫn để trên tay
- Trái vỉ: Quân để dưới chiếu không đúng thứ tự quy định.
- Hô ù rồi mới dậy khàn
- Ù mà quên dạy khàn (Khê khàn)
- Bất thực một cục: khàn bất thực chỉ có một phu bí
- Ù không phỗng hay có phỗng mà không hô.
– Ù bị chèo đò (không được tính điểm phải trả nợ làng một ván ù khác, chỉ được nhận thêm một quân làm cái ván tiếp theo):
- Ù sai : không lưng, còn thừa quân không vào phu nào, bài thừa quân hoặc thiếu quân.
- Ăn một quân lại đánh 2 quân cùng một phu
- Dánh quân trong phu dưới chiếu.
- Có đôi, quân lên không phỗng lại đánh cả 2 quân
- Quân lên đúng phu dọc dưới chiếu mình đã có quân ấy lại không hạ quân của mình xuống ( coi như dối làng để làng tính sai khi có nhu cầu).
- Quân đến lần trước không ăn, lần sau đến lại ăn.
- Thối khàn: có quân lên đúng khàn lại không dậy khàn (làm làng tính sai coi như dối làng)
- Hô ù loại thấp thành loại cao (coi như gian). (Nếu ù cao mà hô loại thấp thì chỉ ăn điểm loại thấp mà thôi)
- Cách hô ù:
– Quân mình chờ bất cứ lên cửa nào mình đều được ù. Sau khi hạ bài xuống, dậy khàn, báo bất thực và trả chén làng (nếu có) mới Xướng ù hay Hô ù loại gì: Ù suông; Ù thông; ù có cước sắc hay thông có cước sắc. Nếu ù có nhiều cước sắc phải nói đúng trình tự cao trước, thấp sau, trừ Ù Tôm Lèo, ví dụ như bạch định tôm, thập hồng lèo, kính cố tôm, chi nẩy tôm, kính tứ cố tôm, thông bạch định tôm, thông thập hồng tôm lèo v.v.
– Hô ù ít thành ù nhiều thì bị phạt, nhiều thành ù ít thì nhận điểm ít. Nếu quân mình chờ, trên tay đã có 2 quân mà lên quân thứ 3 đúng phu dọc mình chờ thì phải nói là ù không phỗng, không nói coi như không được ù.
- Cách tính điểm:
Cách tình điểm một hội và tính điểm từng ván theo thỏa thuận của làng. Thường bao giờ người ta cũng lấy điểm một ván ù không cước sắc là điểm tối thiểu, từ đó tính ra điểm các loại ù. Có 3 loại ù: ù suông, ù thông và ù có cước sắc:
- Ù suông : Ù không có cước sắc.
- Ù thông: Ù liền lần thứ hai.
- Ù có cước sắc:
+Ù Tôm: có phu lưng tam vạn – tam sách – thất văn
+ Ù lèo: có phu lưng Cửu vạn – Bát sách – Chi chi.
+ Ù thập Hồng (Điều): có10 quân đỏ (chơi 4 người phải có 12 quân đỏ gọi là ù thập nhị hồng)
+ Ù kính cố (cụ):chỉ có một ông cụ, không có quân đỏ nào khác.
+ Ù bạch định:chỉ toàn quân đen, không có quân nào đỏ.
+ Ù chi nẩy:chỉ chờ duy nhất một nước chi chi.
+ Ù kính tứ cố: có đủ 4 ông cụ, không có quân đỏ nào khác.
Cách tính điểm: thông thường ta hay cho điểm như sau:
- Ù suông: 4 điểm
- Ù thông; thêm 2 điểm nữa cho bất cứ loại ù nào.
- Ù tôm: 6 điểm
- Ù Lèo: 8 điểm.
- Ù thập hồng ( thập nhị hồng nếu chơi4 người ): 12 điểm.
- Ù kính cố: 12 điểm.
- Ù bạch định: 16 điểm.
- Ù chi nẩy : 24 điểm
- Ù kính tứ cố: 46 điểm.
- Ù nhiều loại: Lấy loại cao điểm nhất thêm 2 điểm nữa cho mối loại ù ( như thập điều tôm lèo thì 12 + 2 + 2 = 16 điểm; Bạch định tôm: 16 + 2 = 18 điểm; Thông Kính cụ tôm: 12+2+2 = 16 )
Ghi chú: Ù kính tứ cố có điểm cao nhất, rất khó, nhưng người ta sợ ù loại này vì cho là xúi quẩy, dễ bị chết khi nghĩ đến hình tượng 4 người khênh cỗ quan tài.
Những người chơi ăn tiền, gọi là đánh bạc, họ cũng căn cứ vào cách tính điểm này để góp tiền chơi và nhận tiền ù. Số tiền còn lại cuối hội, không đủ một ván ù suông, làng cho người chia bài hoặc chủ chứa, ngoài tiền nộp cho chủ chứa gọi là hồ. Tùy theo tính chất sát phạt nhau mà định mức góp tiền và nhận tiền nhiều hay ít khi ù. Thông thường ta tính hết 50 điểm, hết tiền góp hoặc số điểm và số tiền còn không đủ 1 ván ù suông là hết hội.
Ngay nay chơi ăn tiền là vi phạm, không lành mạnh. Người cao tuổi chơi cho vui, rèn trí tuệ, giải trí tiêu thời gian nên thường chỉ ghi điểm để biết ai may rủi, ai chơi cao thấp mà học hỏi lẫn nhau, có khi chẳng có hội, chỉ quy định chơi đến hết mấy giờ là nghỉ mà thôi, thương chơi 2 tiếng đến 3 tiếng là cùng.. Thỉnh thoảng tổ chức thi đấu mới tính điểm theo hội.
Các quy định khác cần chú ý:
– Khàn bất thực: Có khàn nhưng thấy để khàn chỉ được 1 phu lưng, nếu tách khàn ra thì giải quyết được thêm nhiều phu khác, bớt nhiều quân lẻ trong khi bài mình đã có phu lưng rồi hoặc chắn chắn sẽ có phu lưng thì xin làng có khàn bất thực và xin một cái chén để ghi nhớ. Khi đó khàn được tách ra thành nhiều phụ dọc và có thể đánh đi 1 quân thừa. Khi ăn quân để thành phu bí hay phu cước sắc với khàn phải để quân ăn trên quân khàn và úp quân lập thành phu ấy trên quân ăn. Khi ù phải xướng rõ tên khàn bất thực, nếu không phải đánh đi quân nào thì nói khàn bất thực ăn cả, rồi trả chén làng. Nếu có quân giống khàn bất thực lên phải phỗng thì phỗng, phỗng xong hạ phu dọc và trả chén làng luôn vì khàn lại trở lại. Khàn bất thực phải lập thành 2 phu dọc và bí, nếu chỉ có phu bí là không được điểm, thế gọi là bất thực một cục.
– Thiên khai bất thực: Có thiên khai muốn dùng nó để xoay thành nhiều phu dọc nhưng phải đánh đi 1 hay 2 quân thì xin bất thực thiên khai. Phải làm và nói như khàn bất thực, không đánh quân nào thì nói ăn cả, đánh quân nào thì nói quân ấy rồi trả chén làng xong, mới xướng ù.
– Khi đánh quân: Không được đánh quân trong phu dưới chiếu và phu thường để ăn quân có cước sắc. Có 2 quân mà quân đến không phỗng thì không được đánh đi cả 2 quân. Không bao giờ được đánh quân yêu. Nếu đánh quân trong phu dưới chiếu mà sau lên quân chờ, ù cũng bị chèo đò. Không được đánh hai quân cùng phu với quân ăn dưới chiếu, như vậy là bị chèo đò.
– Khi ăn quân: Chỉ được ăn quân khi đến cửa mình, ở cửa khác nếu mình có 2 quân giống nhau thì được phỗng, nếu có khàn thì phải dạy khàn, nếu đúng quân chờ thì được ù . Quân yêu đến cửa bắt buộc phải ăn. Quân nào đến không ăn, không phỗng, lần sau đến cũng không được ăn. Đã không ăn quân trước của phu dọc thì cũng không được ăn quân sau của phu ấy. Nếu ăn sẽ chèo đò. Quân lên đã ù mà bỏ qua, đến quân sau lên mới ù là đã bỏ ù, không được tính điểm, chỉ được cái. Mình có phu bí 4 quân trong đó có một đôi quân, khi quân ở cửa mình lên đúng quân có đôi ấy, mình không phỗng mà muốn ăn để có cả phu dọc và phu bí thì ăn 5 binh, phải hạ cả 4 quân phu bí xuống thành 5 quân. Đôi quân không phỗng ấy phải để một quân trên quân ăn và một quân để trên cùng. Nếu ăn theo phu dọc, mình có quân trùng với quân ăn phải hạ cả phu dọc trên tay có quân ấy, quân trùng cũng phải để dưới cùng của phu.
– Khi bài ai bị thừa, phải trả lại quân yêu nhất văn, không có mới trả yêu đen khác, cuối cùng mới đến yêu đỏ hoặc quân khác.
– Hết ván không ai ù: quân bài nọc cuối cùng đến cửa nào, người ở cửa ấu được cái gọi là kê.
– Các cách chờ:
- Thập thành: Bài đã tròn, đã có lưng, chờ quân yêu, quân ghép được vào các phu là ù.
- Bạch thủ: Có 2 quân giống nhau chờ quân thứ 3 lên để phỗng có phu lưng và bài đã tròn. Quân lên ù phải hô phỗng.
- Chờ xuyên: Chờ quân lên ghép giữa thành phu dọc làm tròn bài.
- Chờ chi chi nẩy: chỉ chờ độc nhất một quân chi chi (nếu có đôi bát sách và một quân cửu vạn mà lên bát sách không phỗng đánh cửu vạn là thành thì sau đó chi chi lên chỉ được ù chi có lèo thôi, không phải là chi nẩy nữa.
– Cho cái: Người được cái là người được nhận thêm một quân ở nọc để đánh đầu tiên trong ván. Người ù mặc nhiên được cái ở ván sau. Người ở cửa mở quân nọc cuối cùng của ván mà không ai ù cũng mặc nhiên được cái tức được kê.
+ Cách cho cái: Là xác định phần bài cho người được cái Người cho cái lấy một phần bài nào đó làm nọc, lấy một quân nọc nào đó mở để ở khe nào đó. Mở một quân bất kỳ của một phần bài bất kỳ, cộng 2 số quân bài đã mở rồi chia co 5, số dư là số phần bài của người cái đến ngược theo chiều kim đồng hồ từ khe đến phần bài đúng với số dư để quân nọc ngửa lên vào phần bài đó cho người được cái ( vì đếm từ khe nên các cụ mới có câu nhất nhị tại vị tức là phần bài đầu tiên giáp khe theo chiều ngược kim đồng hồ)
+ Người cho cái: Người ù ván trước cho cái người ù ván sau. Đối với người ù thông, người được kê hay ván đầu hội thì ai cho cái cũng được.
– Trách nhiệm chia bài: Bao giờ cũng có người chia bài
Hai người ít điểm nhất trong hội. Người bị chéo đò
Hai người 2 bên người mới ù (trừ 2 người cao điểm nhất trong hội)
Hai người cao điểm nhất hội trước, chia ván đầu hội sau.
Người được kê và người dưới kê.
Tốt nhất có người chuyên chia bài để phục vụ đánh bài liên tục nhanh hết hội, tiết kiệm thời gian chờ chia bài, đếm bài.
Cách chơi tổ tôm điếm dành cho 5 người:
Chơi với 5 người: Bài chia thành 6 phần, mỗi phần có 20 quân, mỗi người một phần còn 1 phần là bài nọc để ở đĩa. Người là cái được thêm 1 quân lấy từ bài nọc. đánh đầu tiên, khi bài nọc chỉ còn 5 quân, không ai ù là hết 1 ván. Nhiều ván thành một hội. Số ván trong hội nhiều hay ít tùy thuộc vào các ván ù được nhiều điểm hay ít điểm vì số điểm của một hội là cố định theo quy định của người chơi. Số điểm của hội càng nhiều, các ván chơi càng nhiều. Người nào có bài đẹp gặp may mắn sẽ chóng ù khi bài có 1 lưng và không còn quân lẻ với 21 quân bầy, trình xuống chiếu, lật khàn nếu có và xướng ù đúng trình tự theo luật rất chặt chẽ; làng sẽ phân tích, hỏi, bắt bẻ rồi mới công nhận (như treo tranh, trái vỉ nghỉ ăn tiền; ù không lưng phải chèo đò, không ăn tiền và phải ù một ván trả đò; bỏ ù không ăn tiền; v.v. (xem phần hướng dẫn ở dưới). Vì vậy chơi tổ tôm mất nhiều thời gian nên những ngày mưa dầm gió bấc, ngày Tết, đợt đi an dưỡng, ngày hội, người về hưu có nhiều thời gian rảnh rỗi người ta mới chơi.
Ngày nay tổ tôm được biến tấu thành chắn hay tam cúc với lối chơi đơn giản hơn:
Chắn:
Người chơi: 2 – 4 người
- Cách chơi chắn:
Cách chơi chắn không phải dễ dàng gì. Chính vì vậy hãy đọc kỹ chắn chơi như thế nào cùng với 188 để đánh bài này nhé!
– Chia bài: Trên bàn, mỗi người sẽ có 19 quân bài. Số bài còn lại gọi là Nọc.
– Bốc cái: Lựa ra nhà chơi để đánh đầu tiên.
Quá trình chia bài xong. Lấy 1 cây ở số bài Nọc rồi lật nó ở 1 bài bất kì. Khi mà số đó vào nhà chơi nào thì nhà chơi đó sẽ lấy phần bài đó và thực hiện lượt đánh đầu. Các nhà kia sẽ chọn phần bài theo thứ tự hướng vòng tròn bắt đầu từ nhà đầu tiên.
– Ăn và không ăn:
Khi bạn Ăn bài và tiến hành lập Chắn hoặc Cạ thì cũng phải hạ Chắn hoặc Cạ xuống chiếu chơi. Lúc này, bạn sẽ đè quân bài của bạn lên trên quân bài vừa ăn lúc nãy.
Còn trường hợp bạn không ăn bài. Thì bạn hãy Bốc 1 quân bài từ số bài Nọc ra. Sau đó là nhường cho nhà dưới bạn nếu như bạn vẫn không có cách ăn quân bài kia.
– Ù:
Điều kiện đủ: 19 quân bài trên tay bạn mà nó lại hợp với 1 quân bài dưới chiếu. Và kết hợp để lập thành Chắn hoặc Cạ, và trong đó không còn có sự xuất hiện của bài lẻ; Trong bài thì còn ít nhất 6 Chắn trong đó.
Hạ bài chắn xuống: bạn phả tách riêng Chắn và Cạ ra khi hạ bài. Nhớ rằng phải biết cách Xướng ù chuẩn xác.
– Luật chơi chắn có những thao tác bị cấm:
- Luật chơi chắn:
Luật chơi chắn có các thao tác bị cấm khi đánh chắn
– Cước sắc (Khi ù sẽ tiến hành xét bài, điểm khi ù đơn cước): cách đánh dấu bài chắn Cước sắc
– Xướng ù:
Danh sách thứ hạng ưu tiên của các cước: Ù + Thông > Chì > Thiên ù, Địa ù (bỏ chữ Ù đầu tiên) > Bạch Thủ (Chi) > Thập Thành > Kính Tứ Chi, Tám Đỏ, Bạch Định > Lèo, Tôm > + Có + Chiếu, Ăn Bòn, Thiên Khai.
Lưu ý rằng: Hãy cân nhắc thật kỹ càng vào vì bạn chỉ được 1 lần duy nhất hô “Ù” mà thôi.
Hướng dẫn cách dịch và tính điểm: Cước dịch = Cước – Xuông (2 điểm: ù ko cước sắc).
Ví dụ: Tôm dịch = Tôm(4) – Xuông(2) = 2điểm (gọi: Tôm dịch 2).
Tam Cúc
Lá bài
Bộ bài Tam Cúc có 32 lá bài gồm hai loại đỏ và đen. Các lá bài cùng tên có giá trị đỏ lớn hơn đen
Mỗi loại bao gồm các ký hiệu được phân định lớn nhỏ như sau: Tướng (将) > Sĩ (士) > Tượng (像 có vẽ hình con voi) > Xe (車 có vẽ hình cỗ xe) > Pháo (砲 có vẽ khẩu thần công) > Mã (馬 có vẽ hình con ngựa) > Tốt (卒 có vẽ hình người lính).
Trừ Tướng chỉ có 1 lá và Tốt có 5 lá mỗi, các loại khác đều có 2 lá mỗi loại.
Cách xếp bài
– Bộ đôi: Hai lá bài cùng màu, cùng tên như đôi Pháo đen, Xe hồng,…
– Bộ ba: Bộ ba lá Tướng-Sĩ-Tượng; Xe-Pháo-Mã cùng màu. Nhưng Sĩ-Tượng-Xe hay Tượng-Xe-Pháo thì không phải là bộ ba. Bộ ba trên (Tướng-Sĩ-Tượng) ăn bộ ba dưới (Xe-Pháo-Mã).
– Tứ tử: Bốn lá Tốt cùng màu.
– Ngũ tử: Năm lá Tốt cùng màu.
– Những lá lẻ không vào bộ nào thì đứng riêng.
Chia bài
Tam Cúc có thể chơi từ 2 – 4 người:
– Chơi 2 người: Mỗi người được chia 16 lá bài. Cách chơi này hai bên biết bài của nhau.
– Chơi 3 người: Mỗi người được chia 9 lá bài. Bộ bài phải bỏ đi 5 cây: 1 Tướng ông (lá bài hồng), 1 Tướng bà (lá bài đen), 1 Sỹ đen, 1 Sỹ đỏ, 1 Tốt đen.
– Chơi 4 người: Mỗi người được chia 8 lá bài.
Cách chơi:
– Người gọi đầu hay người có cái sẽ được máy tính chọn ngẫu nhiên. Người gọi đầu hay người có cái sẽ được máy tính chọn ngẫu nhiên. Người gọi bài sẽ gọi bài “một cây”, “hai cây”, “ba cây”… được gọi thì những người chơi còn lại sẽ tương ứng cho ra số lá bài của mình.
– Các lá bài được ra với mặt phải (mặt có ký hiệu được giữ kín và úp xuống chiếu bài. Khi mọi người đã ra đầy đủ bài thì người gọi bài sẽ lật đầu tiên rồi theo thứ tự những người bên cạnh. Ai có lá bài có giá trị lớn nhất thì người đó được lá bài và giành cái. Tuy nhiên tất cả mọi người đều được phép chui bằng cách chịu thua và không ngửa bài để khỏi lộ bài.
– So sánh những đôi hay ba với nhau. Bộ ba trên (Tướng-Sĩ-Tượng) ăn những bộ ba dưới (Xe-Pháo-Mã), bộ đôi, ba cùng loại thì bộ đỏ ăn bộ đen.
– Đặc biệt: Người chơi vừa lên bài có 4 hay 5 cây tốt đỏ hoặc đen thì được “Trình làng” (gọi là Tứ tử hay Ngũ tử trình làng) trước khi nhà cái gọi cây bài đầu tiên và coi như thắng được 4 hay 5 cây này. Riêng Ngũ tử còn giành quyền cướp cái ,tức là quyền gọi cây bài đầu tiên.
– Lưu ý: Lượt đánh đầu tiên, cả làng chỉ được phép ra Xe hồng là cao nhất. Nếu người chơi đánh cây có Tượng hoặc Sỹ thì sẽ bị coi là chui bài.
Kết thúc
– Đến vòng bài cuối cùng, trước khi hết cây, người cầm cái có thể gọi là kết đôi (ví dụ đôi Xe hồng, đôi Pháo đen…) hoặc kết ba (chỉ được kết Xe-Pháo-Mã). Việc kết ở vòng cuối sẽ giúp người chơi đạt nhiều điểm hơn. Lưu ý: Kết đôi chỉ dừng ở đôi Xe hồng là cao nhất, đôi Tượng (đen, hồng) nếu thắng thì không được tính là kết đôi.
– Kết Tốt đen: Nếu người gọi cuối cùng là đôi tốt đen mà thắng (không ai có đôi lớn hơn để bắt) thì người này ăn kết Tốt đen.
– Đè Tốt đen, Tứ tử, Ngũ tử: Tại lượt cuối cùng, người gọi gọi đôi, Tứ tử, Ngũ tử Tốt đen mà có người ngửa bài được đôi, Tứ tử, Ngũ tử Tốt đỏ thì được gọi là đè Tốt đen, Tứ tử, Ngũ tử. Trong trường hợp này, người gọi Tốt đen phải đền cho người ăn Tốt đỏ.
– Số điểm kết được tính như sau:
Tay đôi |
Tay ba |
Tay tư |
|
Kết đôi |
12 điểm |
6 điểm |
4 điểm |
Kết ba |
18 điểm |
9 điểm |
6 điểm |
Kết Tốt đen, Tứ tử, Ngũ tử |
24 điểm |
12 điểm |
8 điểm |
Tốt đỏ đè tốt đen |
48 điểm |
24 điểm |
16 điểm |
– Nếu có kết thì ai kết là người thắng, những người còn lại bị thua bằng số điểm kết trừ đi số cây có trên bài.
– Nếu không có kết thì mọi người so cây với nhau, ai nhiều hơn thì thắng, bằng nhau thì hòa và ít hơn thì thua. Trong bàn chơi 3 người, ai nhiều hơn ba cây thì thắng, ai có 3 cây là hòa, ai có ít hơn 3 cây là thua; tương tự bàn 4 người là 2 cây, bàn 2 người là 8 cây.
Video minh họa:
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #totomdiem; #to-tom-diem; #thuvientrochoi