Trò Chơi Ném Đồng Xu

 NÉM ĐỒNG XU

Tên trò chơi: Ném đồng xu, đánh đáo, đánh trỏng

Thể Loại: Trò chơi dân gian.

Lịch sử: 

– Trò đánh đáo này phổ biến ở nhiều địa phương miền Bắc thời bao cấp thiếu thốn. Để chơi, cần có một ít đồng xu và một “con cái” để đánh. Thông thường con cái này được đúc bằng chì. Trẻ em thường gom các mảnh chì từ các bình ắc-quy hoặc từ đâu đó, nấu chảy ra, đổ vào trôn của bát ăn cơm để làm thành con cái này. Con cái cũng có thể được đúc bằng khuôn nặn đất sét. Sau đó, cái chì sẽ được mài sơ đi cho nhẵn nhụi, dễ chơi.

– Khi chơi, người chơi kẻ một vạch trên nền đất, rải các đồng xu lên để đánh. Người đánh phải đứng xa một khoảng tùy thỏa thuận và ở trước một vạch khác để đánh.

– Lý tưởng nhất là đánh tan được cả cụm nhiều xu, sẽ ăn được nhiều nhất trong một lần đánh. Với các xu còn lại, có thể ăn bằng cách đơn giản nhất là đánh trúng đồng xu đó. Ai không đánh trúng thì mất lượt.

– Tuy nhiên, luật chơi hoàn toàn có thể thỏa thuận để khác đi. Thí dụ các bên có thể thỏa thuận là chỉ đánh và ăn được khi các đồng xu này lật mặt khác…

Mục đích, ý nghĩa: 

– Trò chơi mang tính dân gian, truyền thống của Đồng Bằng Bắc Bộ 

– Rèn luyện khả năng nhanh nhạy, tỉ mỉ, chính xác

Chuẩn bị:

  • Người chơi: Không giới hạn ( Thường có khoảng 4 người chơi )
  • Dụng cụ:  “Xu” có thể là tiền xu thật, loại đồng một xu màu xanh xám, bằng kẽm, tương đối dễ bể, cho chính quyền thuộc địa Pháp phát hành, lúc đó vẫn còn lưu hành (một xu lúc đó có thể mua được một miếng kẹo da trâu), nhưng cũng có thể là tiền điếu, bằng đồng thau, do Nhà Nguyễn phát hành, lúc đó không còn xài được nữa.  “Xu” cũng có thể là nút khoén như đã mô tả trong phần chơi tạt.  
  • Không gian: Ngoài trời bãi đất rộng rãi

Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):

-Có hai thể loại của trò chơi này, một có lỗ và một không có lỗ.  Khi chơi thì chọn một khúc lề đường có mặt đất phẳng, không có cỏ.  Đầu tiên là đào một cái lỗ (nếu chọn chơi có lỗ), đường kính sao cho các đồng xu có thể lọt vào gọn gàng, sâu chừng hơn một phân thôi, ngay bên dưới cái lỗ sẽ gạch một đường dài chừng hơn một mét, sau đó gạch một đường nữa, song song với đường thứ nhứt và cách đường nầy chừng hai mét.  

– Trước khi bắt đầu chơi thì thi thảy mức hay “oánh tù tì” để định thứ tự chơi.  Bắt đầu chơi thì đứa đi đầu tiên sẽ cầm hết cả xấp tiền xu đã góp lại, đứng tại đường gạch thứ nhì, ném tất cả về phía đường gạch kia.  Nếu chơi có lỗ, thì mục tiêu sẽ là làm sao ném cho các đồng xu rớt vào trong lỗ, càng nhiều càng tốt, vì tất cả các xu lọt vào trong lỗ sẽ thuộc về người ném.  Số xu không lọt vào lỗ sẽ nằm rải rác trên mặt đất, chung quanh cái lỗ, hoặc cũng có khi văng ra xa hơn.  Bây giờ các đứa còn lại sẽ bàn với nhau, và sau đó sẽ chỉ vào một trong các đồng xu đó.  Dĩ nhiên, đó là đồng xu ở vào vị trí mà cả bọn tin là khó chọi trúng nhứt.  Đó sẽ là mục tiêu cho đứa đang chơi.  Trong trường hợp có mấy đồng xu nằm dính chùm với nhau, thì mấy đồng đó đương nhiên là mục tiêu, bọn còn lại bị tước mất cái quyền chỉ định mục tiêu.  Đứa đang chơi sẽ dùng một đồng chọi của riêng nó, nhắm chọi cho trúng cái đồng xu mà đối phương đã chỉ định, hoặc cái đống tiền xu nằm dính chùm với nhau.  Trong trường mục tiêu chỉ định, nếu nó chọi trúng thì nó sẽ “ăn” hết tất cả các xu.  Nếu nó chọi trật hay trúng một đồng xu khác thì phiên chơi của nó chấm dứt, và đứa có thứ tự kế tiếp sẽ bắt đầu chơi.  Trong trường hợp mục tiêu đương nhiên (đống xu dính chùm) thì đứa chơi phải dùng đồng chọi của nó chọi thế nào cho tất cả các đồng xu đó rời ra hết.  Nếu làm được vậy, nó sẽ “ăn” hết, nếu không thì phiên chơi của nó chấm đứt.  Đứa được đi kế sẽ gom tất cả xu lại, đi tới đường gạch ở đầu kia và bắt đầu chơi.  Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi tất cả các xu đã được “ăn” hết.  

– Trong trò chơi này, “võ khí cá nhân”, tức là đồng chọi, rất quan trọng, góp phần định đoạtï thắng bại.  Bọn tôi mỗi đứa đều phải tự chế tạo đồng chọi.  Thông thường nhứt là các đồng chọi bằng chì.  Để “chế tạo võ khí cá nhân” nầy, bọn tôi phải chịu khó đi tìm tòi, lục lọi ở mấy bãi rác, tìm cho được mấy miếng chì vụn vặt, tốt nhứt là mấy cái ngàm thắng xe đạp.  Bỏ tất cả vào một cái lon sửa bò, bọn tôi đốt cái lon cho nóng lên để cho chì chảy ra thành nước (các bạn đã hiểu tại sao bọn tôi chọn chì rồi phải không, lý do đơn giản là vì chì có độ nóng chảy rất thấp, dễ “luyện kim”, phải không các bạn ?).  Trong khi đó, thì bọn tôi đào một

cái lỗ trên mặt đất, chổ có đất sét là tốt nhứt, vì dễ đào, và dễ “thiết kế” cái lỗ theo ý muốn của mình.  Đường kính của cái lỗ lớn nhỏ là tùy theo mình muốn đồng chọi của mình bao lớn.  Độ sâu của cái lỗ thường khoảng một phân thôi.  Khi chì đã chảy ra thì kiếm một miếng vải cầm cái lon lên (cho khỏi phỏng tay), đổ nước chì vào trong cái lỗ, canh sao cho vừa đủ, để khi nguội lại mình sẽ có một đồng chọi có bề dày vừa ý mình.  Sau khi chì đã nguội và đông đặc lại, thì moi đồng chì ra khỏi lỗ, và bắt đầu tiến trình hoàn tất đồng chọi, bằng cách mài cạnh và mặt của nó cho láng.  Thế là mình có được một đồng chọi hoàn toàn vừa ý mình.  Sau đó là bắt đầu tập luyện để chọi cho chính xác, muốn chọi đồng nào là trúng đồng đó.  Đến đó thì mình đã cảm thấy sẳn sàng “ra trận” rồi.

Ném đồng xu

Đặt ra một vạch được quy định sẵn. Mỗi người chơi của các đối sẽ dùng đùng xu (có thể thay bằng nắm chai) đứng tại một điểm cho trước để ném đồng xu tới gần vạch đích. Người chơi nào ném gần nhất hoặc chạm vào vạch đích là người thắng cuộc. Người chơi ném đồng xu vượt ra khỏi vạch là người bị loại.

Sưu tầm: Nguyễn Hồng Nhung

Video minh họa: 

Thông tin bổ sung: 

Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:

Hashtags: #nemdongxu; #nem-dong-xu; #thuvientrochoi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *