Trò chơi Ném Còn

Trò chơi Ném Còn

NÉM CÒN

Tên trò chơi: NÉM CÒN

Thể Loại: Trò chơi dân gian.

Dân tộc/ Khu vực: Việt – Việt Nam .

Mục đích, ý nghĩa: 

Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau. Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng.

– Đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau. Trò chơi này như bà mối se duyên cho trai tài, gái sắc. Bên nào thua sẽ để lại một vật làm tin. Thường người thua là con trai để lấy lòng người con gái. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật gửi làm tin trước đó, đây cũng là cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.

– Với người Thái, trò chơi ném còn mang thông điệp mong muốn âm dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Khi chơi, người Thái thường ném quả còn hướng về đầu nguồn sông hay suối, chính là hướng về các bản làng người Thái. 

– Với người Tày, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm, hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì đã được truyền hơi ấm của những đôi bàn tay nam, nữ.

– Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt. Vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ. Do đó, đây là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích, bởi bên cạnh việc làm cho người trong cuộc hào hứng thì việc người đứng ngoài hò reo cổ vũ cũng khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn hơn.

Lịch sử: 

– Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Tây Bắc, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu trò chơi ném còn. Ném còn đã có lịch sử lâu đời, truyền thuyết của người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Vua Hùng đã sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn trở nên rất phổ biến đối với người Thái.

– Trò chơi dân chơi có tính lưu truyền từ vùng này qua vùng khác, từ đơi này qua đơi khác bằng hình thức truyền miệng nên có nhiều dị bản khác nhau. Theo người già các dân tộc vùng Tây Bắc kể rằng: Đã từ lâu lắm rồi, trai gái xứ Thái đi làm ruộng, con trai nhổ mạ gánh đến ruộng để các “Nàng sao” (con gái) cấy, chàng nào thích ai thì ném (tung) mạ cho “Nàng sao” ấy, ai may mắn bắt được thì yêu. Từ ngày ấy, hội tung Còn không thể thiếu trong các dịp lễ tết.

Số lượng người chơi: Trò chơi ném còn dành cho mọi đối tượng lứa tuổi người chơi, không giới hạn số lượng người tham gia. Nếu đông người có thể chia đội hoặc dựng  nhiều cây nêu khác nhau để đủ cho người chơi.

Chuẩn bị: 

Địa điểm chơi: Ném còn là hoạt động tập thể với nhiều người tham gia vì vậy thường được tổ chức ở các không gian rộng, thoáng mát, các bãi đất bằng phẳng, rộng rãi.

Dụng cụ chơi

– Cây nêu:

+ Ở giữa sân nèm còn, trước khi chơi cần dựng một cây nêu. Cây nêu được dựng bằng một cây tre (hoặc vầu) có chiều cao khoảng 15m đến 20m.

+ Trên đỉnh cây nêu là một “vòng còn” hình tròn để làm đích ném, đường kính khoảng 50 cm. Vòng còn được dán các giấy mỏng màu  đỏ (biểu tượng cho mặt trời), màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng).

– Quả còn: 

+ Để chuẩn bị cho trò chơi này, nữ thường đảm nhận làm quả còn, nam dựng cây nêu. Để có một quả còn đẹp, thông thường phải chuẩn bị trước cả tháng trời. 

+ Quả “còn” hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn thường làm bằng những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông,  chia thành nhiều múi vải màu sắc sặc sỡ được kết nối với nhau. Thường quả còn chỉ có khoảng 4-8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu.

 + Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):

Luật chơi:

 Người nào tung còn lọt qua vòng tròn là thắng. Đội nào có nhiều người tung còn trúng đích hơn là thắng. Mối lần có người tung còn trúng đích, 2 bên cùng hoan hô.
    Bên nào bắt được nhiều còn hơn sẽ được điểm nhiều hơn. Điểm bắt được còn có thể tính riêng ra cho dễ xếp hạng và có phần thưởng riêng.
    Nếu một người đang quay quả còn để tung mà tua bị đứt thì người ấy được tung lần khác ngay sau đấy.
    Nếu người tung còn trúng cột làm cột nghiêng đi hoặc đổ hay trúng vòng làm tung cả vòng tròn thì đội của người ấy phải tu sửa và chơi tiếp

Cách chơi:

 – Làm một số quả còn. Lấy vải khâu thành túi tròn nhỏ, trong nhồi vải vụn, có thể cho thêm nhúm cát, sỏi nhỏ để cho khỏi nhẹ quá, khó ném xa và trúng đích. Khâu 2-3 tua vải quanh quả tròn cho chắc. có thể khâu tua vải các màu khác nhau cho đẹp.
– Dựng cột để tung còn.cột thường bằng cây vầu, tre thẳng, cao độ 5 – 10m, trên cùng có vòng tròn đường kính khoảng 20-30cm bằng tre nan uốn hoặc dây thép uốn, có giấy màu cuốn cho nổi rõ ở trên cao. Cột phải chôn sâu cho chắc.
– Thống nhất cách tung còn. Người đứng xa chân cột từ 5-10m, tay cầm 1 tua còn quay quay  hướng về phía thẳng góc với mặt phẳng vòng tròn trên đỉnh cột, ước lượng tính toán sao cho lúc buông tay lẳng còn bay lọt qua vòng tròn.
    Người chơi chia thành hai đội, đứng hai hàng đối diện cách đều chân cột. Lần lượt từng người của hai đội tung còn. Tùy theo thỏa thuận, nếu bên này tung còn dù trúng đích hay không, mà bên kia cố gắng bắt được quả còn vừa tung sang, thì có phần thưởng riêng, như thế càng vui hơn.

Video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=UHXPYS1fj_g

Sưu tầm: Nguyễn Lan Quỳnh

Thông tin bổ sung: 

Nguồn tham khảo: Internet;

Hashtags: #nem-con; #nem-con; #thuvientrochoi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *