Chuyển đến nội dung
TRÒ CHƠI KÉO SONG CANH HƯƠNG
Thể loại trò chơi: Trò chơi dân gian.
Mục đích, ý nghĩa trò chơi:
- Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.
- Biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước.
Số lượng người chơi: Mỗi đội 25 người tham gia và 5 người dự bị. Có tất cả 4 đội
Chuẩn bị chơi:
- Bãi dài khoảng 150m, rộng chừng 20m, xung quanh đào hào sâu 1m, rộng 4m, khơi nước sông thành rãnh ngăn cách, không cho khán giả xem chen lấn, người ta làm 1 chiếc cầu khỉ để đấu thủ, trọng tài và người chỉ huy có lối vào.
Cách chơi, luật chơi:
- Tại đình làng, các trưởng lão làm nghi lễ thắp hương khấn trình, sau đó Ban Tổ chức cho các đội bốc thăm để chọn màu áo, bốc thăm nhận sân bãi và bốc thăm lịch thi đấu và chia bản. Cả Hương Canh có 4 đội Kéo song, mỗi đội phải kéo 3 lượt với các đội bạn, thành 12 trận, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Mỗi bên cử 23, 25, 27,29 hoặc đến 31 tráng đinh vào kéo, đầu bịt khăn đỏ, lưng thắt bao đỏ.
- Người ta chia hai phía đối lập bằng một cột lim, hoặc cột gỗ báng súng dài 3m, chôn chặt song còn cao từ 1,2m đến 1,5m so với mặt đất. Trên thân cột đục một lỗ tròn xuyên qua, to bằng miệng chén, cao chừng 80cm đến 1m, rồi luồn dây song vào đó. Chính giữa dây song, người ta khoanh một vòng tròn đỏ, đặt trong lỗ cột, chia dây song thành hai phần bằng nhau. Dây bên nào bị rút qua lỗ quá vệt đỏ 50cm là bên ấy thua. Người kéo song phải ngồi từng đôi theo đúng vị trí quy định của sự sắp xếp. Người ta đào hố cho từng cặp đối thủ ngồi, rộng 1m2, dài 1m4, chéo xuống như bậc thang, để vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ duỗi thẳng cả hai chân, đạp hết sức vào thành hố, hố nọ cách hố kia 1,5m. Muốn kéo kiểu gì, thì họ cũng chỉ được ngồi hay nằm trong cái hố của mình. Riêng cặp đầu tiên của cả hai bên đều có thể đứng, co chân đạp vào cọc để thêm lực đẩy. Vì vậy, dây song bị cò cưa vào lỗ cột giữa hai bên trở thành nóng bỏng, bốc khói khét lẹt, đòi hỏi người đứng đầu phải dũng cảm, sang hiệp khác có người dự bị thay thế. Người cuối cùng nắm đuôi dây, ngồi một mình ở một hố bé hơn. Đoạn dây cuối cùng mà dài ra và được nâng chỏng lên là đội ấy thắng.
- Người chỉ huy góp phần rất quan trọng vào chiến thắng của đội, mỗi đội có 1 tướng và 2 sĩ, tướng đứng sát cột mốc, giáp mặt với tướng bên kia; một sĩ đứng giữa dây và một sĩ đứng cuối dây nhận lệnh của tướng và thông báo tình hình trận địa bằng các kiểu phất cờ đã thống nhất bí mật từ trước, để bên kia không giải được mật mã mới hòng thắng đối phương. Họ làm rất nhiều trò để cho đối phương mệt mỏi, mất cảnh giác để thừa cơ rút mạnh giành thắng lợi.
- Nét độc đáo là người kéo song phải kẹp dây vào nách. Một người kẹp nách trái, một người kẹp nách phải, hai tay nắm cùng một khúc dây, lúc kéo, họ đạp thẳng chân vào thành hố, ngả mình ra. Hai người ngồi thành cặp, ngoắc đầu vào nhau, cộng lực để kéo. Động tác được phối hợp nhịp nhàng, nhanh nhạy, chính xác theo cờ hiệu của người chỉ huy. Vì vậy, trò chơi Kéo Song vừa có tính tập thể, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết và biểu dương sức mạnh và mưu trí của dân chúng trong vùng.
Sưu tầm: Hồ Nữ Phương Nga
Nguồn tham khảo:Internet;
Hashtags: #thuvientrochoi; #trochoidangian; #trochoitapthe; #keosonghuongcanh