DUNG DĂNG DUNG DẺ Không biết “Dung dăng dung dẻ” có từ bao giờ nhưng thế hệ 8X, 9X chắc hẳn không thể quên được không khí vui nhộn từ những ca từ của bài đồng dao.
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Dân tộc/ Khu vực: Việt Nam
Mục đích, ý nghĩa:
- Tạo không khí vui chơi sôi nổi, lạnh mạnh, vui vẻ cho các bạn nhỏ và cả người lớn khi cùng chơi với con cháu.
- Gắn kết các thành viên trong gia đình cùng chơi với nhau
Chuẩn bị:
Người chơi
Số lượng người chơi từ 2 người trở nên. Tối đa có thể lên đến 15 người. Trò chơi dành cho mọi đối tượng lứa tuổi, nhưng đặc biệt phù hợp với trẻ em, không phân biệt nam nữ.
Không gian chơi
Dung dăng dung dẻ là một trò chơi tập thể có các hoạt động chạy nhảy vì vậy nên chọn không gian chơi rộng rãi, bằng phẳng như sân chơi, sân trường.
Học thuộc bài đồng dao
Do trò chơi gắn liền với bài đồng dao Dung dăng dung dẻ, nên trước khi bắt đầu chơi cần phổ biết bài hát đến toàn bộ người tham gia. Tham khảo lời bài hát đồng dao ở mục phía dưới.
Bài hát đồng dao Dung dăng dung dẻ có nhiều biến thể khác nhau. Dưới đây là một số những biến thể được sử dụng phổ biến nhất.
Biến thể 1
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Ngồi sập xuống đây”
Biến thể 2
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Tìm nơi gió mát
Cùng hát véo von
Mời ông trăng tròn
Xuống đây với bé
Xì xà xì xụp”
Biến thể 3
“Dung dăng dung dẻ (hoặc Xúc xắc xúc xẻ)
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào?
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng thấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu…”
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
Cách chơi:
– Một người lớn hoặc người quản trò đứng ở giữa, những người chơi đứng dàn ngang hai bên, nắm tay nhau. Hoặc người chơi nắm tay nhau tạo thành một hình tròn.
– Khi có hiệu lệnh là bài hát đồng dao cất lên, tất cả người chơi vừa đi tiến lên trước, tay vừa đùng đưa và hát bài đồng dao.
– Khi hát tới câu cuối cùng của bài đồng dao, ví dụ khi hát tới “Ngồi sập xuống đây”, tất cả người chơi cùng nhau ngồi thụp xuống. Người chơi nào không kịp ngồi xuống đúng nhịp hết câu thì bị coi là phạm quy và bị phạt.
– Sau khi hết một lượt hát, tất cả người chơi đứng dậy và bắt đầu lượt chơi mới.
Luật chơi:
- Trong một khoảng thời gian, bạn nào không có vòng là thua.
- Hai bạn ngồi cùng một vòng, bạn nào ngồi xuống dưới là thắng.
Ngoài cách chơi phổ biến ở trên, người chơi có thể tiến hành chơi Dung dăng dung dẻ theo cách chơi khác:
– Người quản trò vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ít hơn số người chơi 1 đơn vị.
– Khi chơi, tất cả người chơi cùng nắm tay nhau tạo thành một hàng, đi vòng quanh các vùng tròn. Vừa đi vừa hát vang bài hát đồng dao.
– Khi hát đến câu cuối cùng là “ngồi sập xuống đây”, người chơi nhanh chóng tìm một vòng tròn gần nhất và ngồi xệp xuống.
– Do số lượng vòng tròn ít hơn số lượng người chơi, nên chắc chắn có 1 người chơi không có vòng tròn để ngồi. Người chơi này sẽ bị loại ra khỏi trò chơi.
– Tiếp tục xóa đi một vòng tròn và bắt đầu lượt chơi mới.
– Cứ tiếp tục chơi các lượt cho đến khi chỉ còn 2 người chơi và 1 vòng tròn. Người chơi thắng ở lượt chơi này sẽ là người chơi thắng chung cuộc.
Sưu tầm: Nguyễn Thị Thái Hằng
Video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=Lri8DhVD_lw
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #dungdangdungde; #dung-dang-dung-de; #thuvientrochoi