Trò chơi Đánh Bông Dụ

Tên trò chơi: ĐÁNH BÔNG DỤ

* Tên gọi khác:

  • Đánh bông dụ, đánh bông vụ, đánh quay, đánh cù, đánh gụ,…
  • Đánh tu lu ( Người Mông )

Thể Loại: Trò chơi dân gian.

Dân tộc/ Khu vực: Việt Nam

Mục đích, ý nghĩa:

  • Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam. Đánh quay không đơn giản là trò chơi để giải trí, để người chơi thể hiện tài năng, trình độ bản thân mà còn thể hiện phong cách, cá tính và bản lĩnh người đàn ông. (Vì trò chơi chủ yếu dành cho đàn ông, con trai, nhưng hiện tại, trò chơi cũng thu hút không ít phụ nữ tham gia).
  • Ngoài ra, đồng bào Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) mong cho con quay của mình được quay lâu, quay tít cũng là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh. Đó là mong ước có được sức khỏe, sự dẻo dai để chinh phục được thiên nhiên, duy trì cuộc sống trên những đỉnh non cao vời vợi. Hội chơi quay của đồng bào Sán Chỉ trong dịp lễ Tết cũng thể hiện sự đoàn kết, kiên trì và rèn luyện cho sự khéo léo của đôi tay.

Lịch sử:

  • Trò chơi Đánh quay đã có từ rất lâu về trước, chẳng ai biết được nó chính xác có từ bao giờ, chỉ biết người ta tạo ra nó để giúp mọi người đoàn kết hơn, tạo không khí sôi nổi nhằm xua tan đi những mệt mỏi của một ngày dài hoạt động.

Số lượng người chơi:

Số lượng người chơi từ 2 – 3 em; một em cũng có thể chơi quay, nhiều người chơi thì chia thành nhiều nhóm.

Chuẩn bị:

Dụng cụ chơi:

  • Con quay: thường được làm bằng gỗ tốt, bền, thường là gỗ xoan; hoặc thứ gỗ gì dễ đẽo gọt sừng súc vật hình nón cụt, có chân bằng sắt, đường kính từ 2 – 2,5 cm. Con quay có cấu tạo gồm 3 phần chủ yếu là thân, đinh quay và mấu để quấn dây.
  • Thân được chế tác theo hai hình dạng chính: hình quả chuông và hình nón cụt. Con quay thân hình quả chuông gọi là cù chuối hay quay chuối; con quay có thân hình nón cụt gọi là cù dái dê hay quay dái dê.
  • Đinh quay được đóng dọc theo trục thân quay ở phía nhỏ hơn của nó, ở một số sắc tộc, thân có phần cuối nhọn để làm đinh quay mà không cần dùng đinh đóng vào. Đinh sắt được cắt đi phần mũ thường được dùng làm đinh quay và nếu đầu quay đập dẹt thì gọi là đinh tràng. Ngoài ra bi sắt loại nhỏ cũng có thể dùng làm đinh quay và gọi là đinh bi. Việc bổ, quật mạnh gụ xuống đất và quật vào gụ khác nhiều lần khi chơi có thể làm đinh gụ đóng lún sâu vào trong thân hơn mức đóng ban đầu, khiến gụ bị thấp đi. Những năm gần đây, đầu thoi dệt bằng sắt cũng được sử dụng và gọi là đinh thoi hay đinh mũ. Loại đinh này có chân đế hình nón, sau khi đóng vào gụ, chân đế tỏa rộng ra xung quanh như giá đỡ, vì vậy việc quật, bổ mạnh nhiều lần xuống đất không làm cho đinh gụ bị đóng sâu vào thân gụ. Đinh của cù dái dê dài hơn của cù chuối do vậy loại cù này không được đóng đinh bi hoặc đinh thoi.
  • Mấu để quấn dây của cù dái dê thường ở đầu có đinh còn của cù chuối lại ở đầu kia và đối với cù chuối thì bộ phận này gọi là tu. Con quay được làm thủ công hoặc tiện bằng máy có kích thước từ nhỏ đến to tùy ý thích và phù hợp với người chơi. Để tránh bị hư hại khi bị đinh của con quay khác bổ trúng, tu còn có thể được bọc kim loại, trẻ em hay dùng vỏ đạn cỡ nhỏ hay tôn, sắt.
  • Dây quay: dây quay được làm từ sợi có độ bền cao (sợi bện, dây đay, dây len, dây gai hoặc dây bằng vật liệu tổng hợp…) để có thể sử dụng lâu dài; chiều dài và kích thước của dây phù hợp với sải tay của người chơi cũng như kích thước con quay, thường dài từ 1 – 1,5m.

Không gian chơi:

Sân chơi sạch sẽ, mát mẻ, nền đất phải cứng để các con quay có thể quay được.

Học thuộc bài đồng dao:

Cút ca cút kít

Làm ít ăn nhiều

Nằm đâu ngủ đấy

Nó lấy mất cưa

Lấy gì mà kéo…

Một số từ ngữ dùng trong trò chơi:

  • Vố: vết (lõm, xước) được tạo ra khi bị đinh của con quay khác bổ trúng.
  • Ngủ: con quay quay “tít” xung quanh trục của nó đồng thời nhìn gần như đang được đặt đứng tại chỗ trên mặt đất, ở mức độ cao hơn gọi là ngủ lịm.
  • Vu: âm thanh phát ra khi con quay quay.
  • Càng vố càng vu, chẻ tu càng tít: câu nói hay được dùng để tự an ủi hoặc an ủi người chơi khác (nhưng cũng có lúc để chế diễu) khi con quay bị nhiều vố thậm chí tu bị nứt, sứt mẻ.
  • Hầm cù tiện sướng hơn tiên. Ba đời tiên mới được hầm cù tiện.
  • Quay tu đi tù X năm, trong đó X là số đếm, ví dụ Quay tu đi tù 2 năm, hàm ý quy định luật chơi theo đó nếu người chơi bổ sai kỹ thuật dẫn đến con quay không quay bằng đinh mà quay bằng đầu kia thì sẽ bị hầm X lượt. Câu này cũng được dùng để chế diễu người chơi bổ sai kỹ thuật.

Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):

Kỹ thuật: Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh quay gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Theo động tác bổ có thể phân ra thành ba cách chính:

  • Ra quay: người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng rồi lăng con quay ra, tay giật dây di chuyển gần như song song với mặt đất.
  • Bổ thượng: người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên.
  • Bổ vát: cách thực hiện gần như bổ thượng nhưng không theo phương thẳng đứng mà theo đường chéo.
  • Do vị trí của mấu quấn dây khác nhau nên khi bổ thượng hoặc bổ vát vị trí chuẩn bị của con quay cũng khác nhau ở hai loại con quay. Cù chuối được để đầu có đinh hướng lên trên còn cù dái dê thì ngược lại.

Cách chơi:

– Chuẩn bị chơi: Người chơi dùng sợi dây quấn quanh con quay từ dưới lên trên, tư thế cầm sẵn con quay trên tay.

– Bắt đầu chơi: Khi nghe hiệu lệnh, người chơi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất người đó thắng cuộc.

Có 2 cách chơi chính:

  • Cách 1 – Chơi “Bổ”: Một người chơi thả cho quay tít, những người chơi khác dùng quay của mình đánh bổ xuống sao cho trúng quay của bạn, đánh trúng là đạt, làm vỡ quay của bạn cũng không sao. Nếu có nhiều người đánh, ai chậm đến nỗi mà quay đã hết xoay mà vẫn còn bổ được là hết lượt.
  • Cách 2 – Chơi “Cứu”: Thường nhiều người chơi, có 2 kiểu chơi và người chơi chia làm 2 bên.

– Kiểu 1: Mỗi bên chọn một người cứu, những người chơi khác phải để quay của mình quay trong vòng tròn “bị giam”. Người “cứu” đánh quay của mình sao cho trúng quay của bạn cùng bên, nếu quay ấy bật lăn ra ngoài vòng tròn là cứu được bạn, bạn ấy sẽ tham gia “cứu” các bạn khác cùng bên. Bên nào sớm “cứu” nhau trước hết là được. Nếu bên nào “cứu” bạn mà lại trúng quay của bên kia thì bên ấy được lợi.

Trong khi “cứu” quay, quay của mình “bổ” xuống và phải xoay, nếu “vật mình” lăn kềnh ra hoặc “ngã chổng vó” không quay được dù chỉ là “gượng” quay một tý, thì phải vào “bị giam”.

– Kiểu 2: Mỗi bên chọn một người chơi bị giam, những người chơi khác “bổ” quay “cứu” quay của bạn bị giam.

Luật chơi:

Trước khi chơi, có thể quy định kích cỡ của quay, phải kiểm tra loại quay nào có đinh nhọn dài quá, hoặc có thể phân loại quay sừng và quay gỗ chơi chung lẫn lộn hay chơi riêng.

– Chơi “bổ”:

+ Có thể chơi lần lượt mỗi người thả quay của mình cho người khác đánh bổ một lần. Hoặc cũng có thể quy định ai đánh bổ mà quay của mình không quay thì phải thay thế vị trí của bạn.

+ Nếu không chọn ai bị “bổ” trước thì thả quay quay, quay nào tít ít nhất, sớm ngã thì bị “bổ”.

– Dù chơi “bổ” hay chơi “cứu”, người chơi không được vội vàng, lộn xộn đến nỗi bổ quay vào nhau.

– Khi chơi “bổ”, có thể một người cắt cử các lượt người nhưng khi chơi “cứu”, đến bên nào bên ấy chỉ định thứ tự người vào đánh quay, không tranh giành nhau.

Đánh tu lu ( Người Mông)

Trò chơi tu lu có nhiều cách chơi và hình thức thi khác nhau tùy vào mỗi vùng, song phổ biến vẫn là thi biểu diễn và thi chọi quay… Phần thi biểu diễn tu lu, thường chọn ra 2 đội chơi, mỗi đội 3 – 5 người, lần lượt từng người tham gia cuộc thi biểu diễn quay tu lu xuống sân chơi, tu lu đội nào quay được nhiều thời gian nhất sẽ là đội thắng cuộc. Còn để thể hiện được tài năng thực sự của người chơi, sẽ là phần thi chọi tu lu. Phần thi này có hai cách chơi là chọi tu lu tĩnh (tiếng Mông gọi là tàu tùa) và chọi tu lu động (tàu lua). Hiện nay, thi đấu tu lu thường chơi theo hình thức chọi tu lu động, hình thức này chia ra làm hai đội, khi chơi cử nhóm trưởng rút thăm xem ai được quyền ưu tiên. Đội ưu tiên là đội được dùng tu lu để chọi trước, đội còn lại phải quay tu lu để đội bạn đánh. Theo hình thức thi đấu 3 vòng, trước tiên phải kẻ 1 vòng tròn có đường kính 50 cm để quay tu lu vào trong vòng tròn. Mỗi vòng thi sẽ cách nhau khoảng 2-3 m. Vòng thứ nhất con tu lu được quay sẽ cách vạch của đội bạn đánh khoảng 3 mét (gọi là pà); vòng 2 cách khoảng 6 mét (gọi là cầu); vòng 3 cách khoảng 9 mét (gọi là ma). Vòng 3 sẽ là vòng thử thách và được chú ý nhiều nhất, bởi vòng này cần sự khéo léo cùng với sức mạnh, độ phán đoán chính xác của người chơi để đánh trúng tu lu của đội bạn. Nếu người chơi ai chọi đánh trúng tu lu của đội bạn thì được tính điểm và thi tiếp ở cự ly dài hơn, nếu chọi 3 lần không trúng thì không có điểm, ngược lại, sẽ phải quay tu lu để đội bạn đánh. Cứ như vậy, đội nào nhiều điểm hơn sẽ là đội thắng cuộc. Trò chơi tu lu không phân biệt tuổi tác, tuy nhiên khi đã vào thi đấu thì thường chọn những người có sức khỏe và có nhiều kinh nghiệm để chơi. Còn bình thường khi chơi giao lưu thì già trẻ, lớn bé đều có thể tham gia chơi đánh tu lu trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem.

Đánh quay ở các nơi khác trên thế giới

  • Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…chơi quay cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến, trò này còn được chơi ở bang Tamil Nadu ở Ấn Độ (gọi là bambaram), ở Philippines (gọi là trumpo)…
  • Trò trompo (từ tiếng Tây Ban Nha để chỉ con quay) được chơi phổ biến ở các nước Mỹ Latin, México, Peru, Colombia, Nicaragua… thường tổ chức những cuộc thi chơi trompo. Trompo được cho là du nhập từ Nhật Bản khi người México đưa nó về.
  • Mỹ còn tổ chức giải vô địch quốc gia về chơi quay ở Chico, bang California và giải vô địch thế giới ở Orlando, bang Florida

Sưu tầm: Trịnh Thị Quỳnh Trang

Video minh họa: https://youtu.be/5uORMAb29Qw

Thông tin bổ sung:

Nguồn tham khảo: Internet;

Hashtags: #danhbongdu; #danh-bong-du; #thuvientrochoi

Related Posts

Mẹo truy cập Five88 bản web khi bị chặn

Khi muốn truy cập vào trang web Five88 nhưng gặp phải tình trạng bị chặn, điều này có thể gây ra không ít phiền toái. Dù bạn…

Trò Chơi Hứng Nước

Mục đích, ý nghĩa: Trò chơi giúp người chơi xây dựng đội nhóm thông qua các trò chơi vận động nhằm giúp những người tham gia hiểu…

 Lớp Học Mật Ngữ: CUỘC ĐUA SAO CHỔI

Thêm thông tin Chủ đề BGVN001 Xuất xứ Việt Nam Mã VT BGVN001 Trả góp 0% Không Thương hiệu BGVN Xuất xứ thương hiệu Việt Nam Tuổi…

Tổng Hợp 8 Trò Chơi Tuổi Thơ Của Thế Hệ 8x 9x

TỔNG HỢP 8 TRÒ CHƠI TUỔI THƠ CỦA THẾ HỆ 8X 9X 1. Bắn bi Là trò chơi giải trí an toàn cho trẻ em Rèn luyện…

Trò chơi Kéo Cưa Lừa Xẻ

Tên trò chơi: KÉO CƯA LỪA XẺ Thể Loại: Trò chơi dân gian. Dân tộc/ Khu vực: Việt – Việt Nam Lịch sử: Kéo cưa lừa xẻ…

Trò chơi Chồng Đống Chồng Đe

Tên trò chơi: CHỒNG ĐỐNG CHỒNG ĐE Thể Loại: Trò chơi dân gian. Dân tộc/ Khu vực: Việt – Việt Nam Mục đích, ý nghĩa: – “Chồng…