CỜ NGƯỜI
Tên trò chơi: CỜ NGƯỜI
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Dân tộc/ Khu vực: Việt – Việt Nam
Mục đích, ý nghĩa:
– Trò chơi dân gian “Cờ người” mang nhiều nét đặc sắc thường diễn ra trong các dịp lễ hội của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, đặc biệt là trong những ngày Tết nguyên đán của dân tộc. “Cờ người” không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao, trí tuệ, triết lý mang đậm bản sắc dân tộc Việt, thể hiện nét bản sắc văn hóa từ những trang sử hào hùng thời dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm.
Lịch sử:
– Trước đây, “Cờ người” phổ biến khắp các làng quê Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là ở các làng quê Bình Định. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, hội “Cờ người” Bình Định có từ thời phong kiến, bắt nguồn từ làng Phú Đa, thôn Tân Dân, xã Nhơn An, huyện An Nhơn. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, “Cờ người” đã từng có thời kỳ bị mai một. Tuy nhiên nó vẫn được bảo tồn và duy trì ở nhiều nơi cho đến ngày nay.
Số lượng người chơi:
– Mỗi ván cờ lúc đầu phải đủ 32 quân: bao gồm 16 nam và 16 nữ. Đây là những nam thanh nữ tú của các gia đình nề nếp được dân làng quý trọng và đồng tình. Hai tướng (tướng Ông và tướng Bà) là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ.
– Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, “Cờ người” không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng thua của cuộc đấu cờ, bình luận cho người xem dễ dàng theo dõi trận đấu.
– Trò chơi dân gian “Cờ người” yêu cầu về trang phục: trang phục trên sân cờ là màu quân đỏ hoặc vàng (16 chàng trai) và màu quân đen hoặc xanh (16 thiếu nữ). Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề và thống nhất. Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá quan văn võ, chân đi hài, lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng.
Chuẩn bị:
Không gian chơi
- Bàn cờ được chọn là sân đất rộng hoặc sân đình, chùa được kẻ vạch ô như bàn cờ tướng, không gian đủ rộng đảm bảo đường đi nước bước cho 32 người.
Dụng cụ chơi
- Tên quân cờ: trước ngực mỗi quân cờ có dán/treo tên quân cờ bằng chữ hán.
- Ghế đẩu để mỗi quân cờ ngồi + nón che nắng. Trong trường hợp chơi cờ người tư thế đứng thì không cần thiết dùng ghế.
- Binh khí: khiên/đao/giáo/mác,… để thể hiện màn đấu võ thuật (nếu có)
Kỹ thuật
- Người chơi cần có kiến thức am hiểu về võ cổ truyền, thành thục từng thế võ.
- Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để khi chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
– Trước giờ thi đấu, bên ngoài sân, cổ động viên “tiếp sức” cho đội của mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng khua liên hồi làm cho không khí hội thi trở nên sôi động. Để đáp lại, cả đội Cờ cũng múa theo tiếng trống và phách.
– Sau khi các “quân cờ” đã vào vị trí, một hồi trống dài nổi lên, hai đấu thủ cờ (tướng) xuất hiện để giới thiệu danh tính; mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ để chỉ huy trận đánh.
– Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng 1 bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Các “quân cờ” phải trải qua sự tập luyện lâu dài và gian khổ vì các đòn thế biểu diễn không phải dễ dàng.
(Ở phần thi đấu, mỗi vùng miền lại thể hiện được bản sắc văn hóa khác nhau. Ví dụ: miền Bắc mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa hoặc những bài vè đặc trưng, miền Trung và miền Nam sôi động hơn bằng những thế võ tương ứng mỗi nước cờ.)
– Khi quân của một trong hai bên bị “ăn mất” thì hồi trống cũng vang lên theo. Còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân, khi đó hồi trống thúc giục vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua…
Sưu tầm: Vũ Thị Nhật Lệ
Video minh họa:
https://bitly.com.vn/ppqmk9
https://bitly.com.vn/7q6q07
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #conguoi; #co-nguoi; #thuvientrochoi