BẮN BI
Tên trò chơi: Bắn bi
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Lịch sử: Kết quả khảo cổ học cho thấy những viên bi cổ nhất được tùy táng trong một ngôi mộ trẻ em tại Nagada, Ai Cập có niên đại khoảng ba nghìn năm trước Công nguyên. Bảo tàng Anh cũng lưu giữ những viên bi được tìm thấy ở đảo Crete, Hy Lạp có niên đại từ 2000 năm đến 1700 năm trước Công nguyên. Thời La Mã cổ đại, đánh bi là trò chơi đã khá phổ biến, đặc biệt là trong lễ hội Saturnalia với tên gọi là “nuts”. Những viên bi này chủ yếu được làm bằng đá và đất sét.
Mục đích, ý nghĩa:
- Là trò chơi giải trí an toàn cho trẻ em
- Rèn luyện khả năng phán đoán nhanh, khả năng ước lượng khoảng cách
- Là trò chơi dân gian, có ý nghĩa văn hóa đặc sắc:
- Thành ngữ: Lăn như bi, Tròn xoe như hòn bi ve.
- Nhạc: Bài hát Hổng dám đâu của Nguyễn Văn Hiên:
“…Bao bạn thân lấp ló gọi em tung tăng sân nhà
Đá bóng với đá cầu nhảy dây, bắn bi, trốn tìm
Ôi sao quá tuyệt vời nhưng mà em hổng dám đâu…”
Số lượng người chơi: Nhiều người chơi.
Chuẩn bị:
- Bi là viên hình cầu có đường kính khoảng 0,5 cm đến hơn 1 cm nhưng cá biệt có thể lớn hơn.
- Bi có thể làm từ đất nung (có thể sơn các màu sặc sỡ), gạch, đá hoặc thủy tinh bằng phương pháp thủ công hay sản xuất công nghiệp. Bi đất nếu làm thủ công thường có chất lượng không cao: dễ vỡ, không tròn…nên trẻ em thường chế tác một vài viên bi chất lượng tốt dùng làm bi cái khi chơi. Có hai cách phổ biến là:
- Tìm hoặc đập một viên đá nhỏ rồi dùng dao đẽo gọt cho có dạng gần hình cầu. Sau đó dùng một vật có lỗ tròn, đường kính như đường kính của viên bi định làm và miệng lỗ cứng để mài viên đá đó thành bi, gọi là xoáy bi. Vật thường dùng để xoáy bi là vỏ đạn súng trường/tiểu liên, thậm chí vỏ trai, ốc nhồi mài đều xuống nền sân cứng cũng tạo thành lỗ xoáy bi.
- Dùng một viên bi đất có sẵn rồi cũng xoáy cho thật tròn sau đó nung trong lửa thành sành.
- Với những cách như vậy, làm một viên bi cái mất khá nhiều thời gian nhưng thu được viên bi bền, cứng và tròn để chơi.
- Gần đây, bi được làm bằng thủy tinh có pha các màu sặc sở trong lòng viên bi trông rất đẹp mắt. Bi được sản xuất đại trà bằng phương pháp công nghiệp, giá thành rẻ, nên trẻ em không phải tự xoáy bi cho riêng mình.
Kỹ thuật chơi:
Kỹ thuật chơi chính là động tác bắn bi
- Ở miền Bắc:
- Kẹp viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, móng của ngón giữa tiếp xúc với đốt ngón tay cái. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay trỏ cho viên bi bắn ra.
- Ngón tay trỏ cuộn viên bi vào giữa, gập ngón tay cái vào phía trong ở phía sau bi. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay cái cho bi bắn ra.
- Ở miền Nam:
- Bi được bắn bằng 2 tay, tay trái ngón cái, trỏ và giữa kẹp viên bi, tay phải ngón cái chấm đất ngón giữa đặt sau viên bi, nhắm mục tiêu rồi bật ra. Kỹ thuật bắn này có độ chính xác đến 10 mét.
- Kỹ thuật bắn bi đòi hỏi độ khéo léo, chính xác để trúng mục tiêu theo những cự ly khác nhau. Khi bắn có thể dùng tay kia làm bệ tỳ để viên bi ở độ cao thuận lợi hơn tùy từng tình huống. Các kỹ thuật trên chỉ có độ chính xác khoảng dưới 1 mét.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
- Bi lỗ: Đào một cái lỗ ở giữa nền đất hoặc xi măng (có đường kính hoặc cạnh khoảng 20–30 cm) gọi là lỗ khi có bi thì gọi là cọp, cách đó 1,5-2m vẽ một vạch thẳng gọi là kim. Mỗi người chơi góp một số lượng bi bằng nhau. Những người chơi lần lượt đôi bi cái từ vạch thẳng về phía lỗ. Viên bi của người nào dừng lại ở gần lỗ nhất nhưng không nằm trong lỗ thì người đó được quyền chơi lượt đầu tiên và cứ như thế cho đến người cuối cùng. Trường hợp bi lọt vào lỗ thì tính như nó dừng ngay tại vạch. Tiếp theo, người chơi bắn bi cái từ vị trí của nó vào những viên bi trong lỗ nhằm đưa những viên bi đó ra ngoài. Những viên bi bị bắn ra khỏi hòm sẽ thuộc về người chơi. Khi khai cuộc, người chơi cũng được quyền bắn thẳng vào bi trong lỗ, nếu có ít nhất một viêc bi ở lỗ bị đẩy ra ngoài và bi cái không dừng trong hòm thì người đó được tiếp tục bắn nữa. Người chơi mất lượt khi không đưa được viên bi nào ra khỏi hòm và/hoặc bi cái bị dừng lại trong hòm. Nếu đưa được bi trong hòm ra ngoài nhưng bi cái lại nằm trong đó thì những viên bi ấy được đưa trở lại vào hòm, thậm chí người chơi có thể bị “phạt” phải đưa thêm bi của mình vào. Những người chơi giỏi thường bắn bi sao cho bi trong hòm bắn ra ngoài còn bi cái bật trở lại rồi dừng ngay gần hòm để lần bắn tiếp theo thuận lợi hơn. Cuộc chơi kết thúc khi tất cả bi trong hòm đã hết. Cũng giống như đánh đáo, những viên bi người nào bắn bi khỏi lỗ sẽ của người đấy. Kết thúc cuộc chơi thì có người còn bi, người hết bi. Trong thể thức này, người chơi hay dùng những viên bi cái to, nặng để có thể từ vạch bắn ngay được bi từ trong hòm ra ngoài.
- Bi 7 lỗ: số lượng người chơi thường từ 3-5 người. Đào 7 lỗ bi trên nền đất, 4 lỗ đầu tiên tạo thành 1 hình vuông, lỗ thứ 5 ở tâm hình vuông, lỗ thứ 6 đối xứng với lỗ thứ 5 qua 1 cạnh của hình vuông, lỗ thứ 7 đối xứng với lỗ thứ 5 qua lỗ thứ 6. Kẻ 1 vạch cách xa khu vực lỗ (khoảng 2-3m). Người chơi đứng ở khu vực lỗ đưa bi về phía vạch để xác định người đi trước, gọi là “đi nhất” hoặc “thi nhất”, ưu tiên bi ở trước và gần vạch nhất. Sau khi thi nhất, người chơi phải lần lượt đưa bi vào lỗ 4 lỗ đầu tiên trước (4 lỗ này không bắt buộc thứ tự), sau đó theo thứ tự vào lỗ thứ 5, 6, 7. Đi đúng thứ tự được đi tiếp, đi sai thứ tự hoặc ra ngoài lỗ thì chuyển lượt cho người chơi tiếp theo. Nếu sai thứ tự lỗ phải đi lại từ đầu. Sau khi đi hết 7 lỗ theo thứ tự đúng. Bi của người chơi có quyền “hạ sát” bi của người chơi khác, nghĩa là trong lượt đánh, nếu bi của người đó chạm vào bi người chơi khác thì người đó coi như thua cuộc. Cuộc chơi kết thúc khi chỉ còn 1 người chơi duy nhất.
- Bi 1 lỗ: một dạng rút gọn của bi 7 lỗ, bi của người chơi chỉ cần vào 1 lỗ duy nhất để có quyền hạ sát bi khác. Cách chơi này mang tính chiến đấu cao hơn và thường có phạm vi sân chơi rộng hơn 7 lỗ vì người chơi sẽ tìm cách tránh xa nhau.
- Bi kích: tương tự như bi 1 lỗ. Nhưng bi của người chơi bị bi khác chạm vào không thua cuộc ngay mà bị bắn bởi viên bi của người chơi kia (gọi là “kích”), sau lượt kích, người chơi bị kích phải trả số bi tương ứng với khoảng cách giữa 2 viên bi theo tỉ lệ quy định từ đầu trận, đơn vị khoảng cách thường là gang tay. Người kích có thể bỏ qua việc đo đạc bằng cách áng chừng, nếu người chơi kia chấp nhận hoặc đo thấy áng chừng nhỏ hơn khoảng cách thực tế thì phải trả bi và thua cuộc. Nếu không chấp nhận thì việc đo được tiến hành, nếu áng chừng sai thì người bị kích tiếp tục chơi và không phải trả bi.
- Bi hào hay bi tàng: vẽ hai vạch thẳng song song cách nhau khoảng 2–3 m, gọi là hào. Một vạch làm điểm xuất phát còn một vạch là đích. Ở vạch đích có thể vẽ thêm một hình chữ nhật ở giữa, dài 20–30 cm, rộng 7–10 cm gọi là tương. Những người chơi lần lượt bắn bi từ vạch xuất phát sao cho bi dừng lại ở trong tương và càng gần vạch đích càng tốt nhưng không vượt quá vạch. Tiếp đến những người chơi sẽ xác định thứ hạng của những viên bi theo luật sau:
+ Bi ở trong tương xếp trên bi ở ngoài tương.
+ Cùng ở trong tương hoặc ngoài tương thì bi của ai gần vạch hơn sẽ xếp trên. Nếu bi vượt quá vạch thì thứ hạng được xếp ngược lại, viên bi nào xa vạch hơn sẽ xếp trên.
+ Khi có hai người trở lên cùng có bi dừng đúng vạch hoặc cách vạch một khoảng bằng nhau thì người nào bắn sau được xếp trên. Để do khoảng cách đến vạch trong những trường hợp khó xác định bằng mắt thường thì trẻ em hay dùng dây hay que để đo. Người xếp đầu tiên được quyền bắn bi của mình lần lượt vào những viên bi xếp từ thứ hai trở đi, nếu bắn trúng thì được “ăn” một số viên bi của người đó, nếu bắn trượt thì lượt chơi chuyển sang cho chính người có bi bị bắn. Do luật chơi như vậy nên khi thấy một người nào đó có khả năng xếp thứ nhất rất cao (ví dụ đã đưa được bi dừng đúng vạch và ở trong tương) thì những người chơi sau sẽ tìm cách gây khó khăn cho người đó bằng cách cố bắn bi sao cho thứ hạng của những viên bi xếp liền nhau càng xa nhau càng tốt. Việc này gọi là “giằng”. Số lượng bi mà mỗi lần bắn trúng được “ăn” do những người chơi thỏa thuận với nhau. Nếu bi dừng ở trong tương thì được gấp lên theo một hệ số nào đó (phổ biến là gấp đôi bình thường), dừng ở trong tương nhưng lại ở đúng vạch đích lại được gấp lên tiếp.
- Bi biển hay bi bể: những người chơi vẽ một đường khép kín co hình dạng bất kỳ và chu vi tương đối rộng. Khi bắt đầu cuộc chơi, những người tham gia tùy ý chọn vị trí đặt viên bi của mình ở trong hình vẽ đó. Thứ tự lượt chơi được xác định bằng “oẳn tù tì”, những người chơi tìm cách bắn bi của người khác ra khỏi hình vẽ, người bị bắn ra mất cho người bắn một số bi theo thỏa thuận. Cái thú vị của thể thức này là rình rập nhau để chờ cơ hội khi bắn bi trong hình vẽ xác định, bắn đối phương không chắc trúng sẽ dẫn đến nguy cơ bi của mình lăn ra ngoài hoặc ở gần đối phương dễ bị bắn trúng. Hình vẽ cũng thường là hình đa diện lõm, người chơi khi bắn bi không được phép bắn viên bi của mình ra ngoài vạch kể cả viên bi đang trong hành trình và cuối cùng vẫn dừng lại trong hình.
- Bi gẩy: là trò chơi của các bé gái, tên gọi phổ biến là khía – đùng, mô phỏng những động tác khi chơi. Thể thức này rất đơn giản, những người chơi góp vào số bi bằng nhau rồi “oẳn tù tì” để xác định người được chơi lượt đầu tiên. Người chơi rải cả nắm bi lên mặt đất sao cho càng đều càng tốt và khoảng cách giữa những viên bi vừa phải. Tiếp đến người chơi sẽ chọn ra một cặp bi, dùng bất kỳ ngón tay nào di trên mặt sân chơi ở khoảng cách giữa hai viên bi đó, gọi là khía. Nếu ngón tay chạm vào bi sẽ bị mất lượt còn nếu không, người chơi sẽ dùng ngón tay gẩy viên bi này vào viên bi kia, gẩy trúng (gọi là đùng) và cả hai không bị chạm vào bất cứ viên nào khác sẽ được “ăn” hai viên bi này, ngược lại thì mất lượt. Cuộc chơi kết thúc khi toàn bộ bi đã bị “ăn” hết. Do khi rải thường có những viên bi nằm rất sát nhau, không thể khía được nên người chơi phải tìm cách “ăn” dần từng viên một để có thể ăn được nhiều bi. Bi gẩy còn được chơi bằng những vật có hình dạng gần giống bi như hạt quả nhãn, thậm chí những viên sỏi, đá nhỏ.
Biến thể – từ ngữ dùng trong trò chơi:
- Bi lỗ có một biến thể là hòm hình tròn, những người chơi không cùng cho bi vào đó. Thể thức chơi cũng là từ vạch lần lượt bắn bi về “lồ”, nếu viên bi của ai dừng trong lồ hoặc gần lồ nhất thì được quyền bắn vào bi của người khác. Trường hợp cùng bắn được bi vào “lồ” thì ai vào sau được quyền bắn trước. Người được quyền bắn sẽ cố tìm cách bắn trúng bi của người khác đang ở ngoài “lồ” và đưa viên bi của người này ra càng xa “lồ” càng tốt, nếu bắn trượt sẽ mất lượt. Nếu bắn trúng, người có bi bị bắn trúng phải trả một số viên bi theo thỏa thuận đồng thời người bắn được quyền từ vị trí bi của mình dừng lại bắn về phía “lồ” để giành quyền bắn tiếp. Do thể thức như vậy nên nếu đã có người chơi đưa được bi vào lồ rồi thì những người khác thường tìm cách bắn bi ra xa lồ để gây khó khăn cho người đó chứ không mạo hiểm tìm cách cũng đưa bi vào lồ nữa. Trò chơi kết thúc khi mọi người chơi đều đưa được bi vào “lồ”, nghĩa là không còn mục tiêu ngoài “lồ” để bắn nữa.
- Bi gẩy có một biến thể thú vị là thay vi góp số bi bằng nhau và “oẳn tù tì” để xác định lượt chơi thì những người chơi cầm tất cả số bi hiện có, giấu hai tay ra đằng sau để lấy ra số bi mình định góp rồi nắm vào một bàn tay. Sau đó những người chơi cùng đưa tay ra để so sánh, ai có số bi nhiều nhất được quyền chơi đầu tiên. Những người chơi đứng trước lựa chọn nên góp nhiều hay ít bi, nếu góp nhiều sẽ có nhiều cơ hội được đi trước nhưng bị rủi ro sẽ mất nhiều bi hơn nếu không được chơi đầu tiên. Góp ít bi gần như chắc chắn sẽ phải đi sau nhưng nếu may mắn do người chơi trước mất lượt thì sẽ “lãi” to.
- Bi ve: bi làm bằng thủy tinh.
- Thủ: viên bi dừng lại đúng trên vạch đích, nếu đồng thời lại ở trong tương nữa thì gọi là thủ tương. Trường hợp người chơi trước đã bắn bi được thủ hoặc thủ tương mà người bắn sau cũng làm được điều đó thì gọi là thủ đè hay thủ tương đè.
- Ngoại non: viên bi vượt quá vạch làm mốc một khoảng cách rất ngắn.
- Ngoại già: viên bi vượt quá vạch làm mốc một khoảng cách tương đối dài.
- Chầu/lẩu: góp bi vào hòm.
- Bể hay biển là diện tích ngoài hình vẽ trong thể thức bi bể.
- Bắn xỉa: bắn chính xác ở cự ly xa.
- Một nhất hai ngoại non: thể hiện quyết tâm đưa viên bi đến rất gần hoặc đến đúng vạch làm mốc, chấp nhận thua cuộc khi viên bi không may hơi vượt quá vạch này. Câu này cũng dùng trong đời sống gần như một thành ngữ để chỉ quyết tâm làm một việc gì đó có rủi ro cao.
- Rìa: Rìa lớn, rìa bé
Video minh họa: https://www.youtube.com/channel/UCkgnRv5iiEWdr_S072jGElQ
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet;
Hashtags: #banbi; #ban-bi; #thuvientrochoi