ĐẶT CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI
Mục đích, ý nghĩa:
- Tên gọi: Trà lời câu hỏi, đặt câu, giải đố, 21 câu hỏi, …
- Ý nghĩa: Trau dồi kiến thức, tạo ra môi trường giúp mọi người tương tác, hiểu nhau hơn thông qua chuyện của họ hoặc kiến thức chung
Chuẩn bị:
- Người chơi: Không giới hạn số lượng
- Dụng cụ: Giấy bút hoặc không cần
- Không gian: trong nhà ngoài sân đều được
- Nội dung: Lựa chọn người trả lời câu hỏi, xác định nội dung hỏi, Lên danh sách câu hỏi, Lựa chọn những câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh lịch sự, tế nhị.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
- Chơi theo nhóm:
– Quyết định trình tự “người được hỏi”. Trong một nhóm, sẽ có nhiều người được hỏi và nhiều người hỏi, vì vậy bạn cần lựa chọn phương pháp đúng đắn để quyết định xem ai sẽ được hỏi đầu tiên, thứ hai, thứ ba, v.v…
– Đổ xúc xắc là một cách hay để lựa chọn trình tự. Mỗi người sẽ đổ một lần, và người có số xúc xắc thấp nhất sẽ là người được hỏi đầu tiên, sau đó là người có số xúc xắc thấp thứ hai và cứ thế tiếp tục.
– Bạn cũng có thể chơi trò “Búa, Bao, Kéo” (Oẳn tù tì) để quyết định xem ai sẽ là người được hỏi đầu tiên, và dùng lại cách này trước mỗi ván chơi mới.
– Bạn cũng có thể chơi theo vòng tròn để quyết định trình tự được hỏi. Sau khi người đầu tiên được hỏi xong, người ở bên trái sẽ là người được hỏi tiếp theo, và vòng tròn đó cứ tiếp tục cho đến khi mọi người đều được hỏi.
– Lần lượt hỏi. Giờ thì khi người được hỏi và trình tự đã được quyết định xong, từng thành viên trong nhóm sẽ lần lượt đặt câu hỏi cho người được hỏi. Bạn có thể phân chia câu hỏi dựa theo số người trong nhóm (ví dụ: một nhóm có 3 người hỏi thì mỗi người được phép hỏi 7 câu), hoặc bạn có thể chơi theo vòng tròn và mỗi người sẽ hỏi một câu.
– Nếu 21 câu hỏi không thể được chia đều cho số người, hãy ngồi thành vòng tròn và yêu cầu một người nào đó bắt đầu hỏi. Trong lượt tiếp theo, người ở bên trái sẽ hỏi, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi mọi người đều có cơ hội hỏi.
– Tiếp tục đặt câu hỏi cho người được hỏi tiếp theo. Sau khi hỏi hết 21 câu, hãy đặt câu hỏi cho người được hỏi kế tiếp theo trình tự đã định sẵn, hoặc dành chút thời gian để quyết định người được hỏi kế tiếp bằng trò Búa, Bao, Kéo hoặc tung đồng xu.
- Chơi 2 người:
– Nhất trí về giới hạn trước và sau khi chơi. Khi chơi trò này vào lúc chỉ có hai người, bạn có thể hỏi các câu riêng tư hoặc thân mật hơn lúc chơi theo nhóm. Vì lý do này, cả hai bạn nên nhất trí về giới hạn trước khi chơi (xem những câu hỏi nào là quá đáng), cũng như là sau khi chơi (chẳng hạn như “Chúng ta sẽ không đối xử với nhau khác đi sau khi trả lời câu hỏi”).
– Trò chơi này có thể nhanh chóng gây ảnh hưởng đến tình bạn và các mối quan hệ nếu không bàn bạc trước một số điều. Đừng hỏi các câu mà bạn không thật lòng muốn trả lời.
– Nếu không chắc về việc một câu hỏi nào đó có phù hợp hay không, bạn chỉ cần hỏi và cho người cùng chơi cơ hội chấp nhận trả lời hoặc yêu cầu chuyển sang câu khác.
– Lựa chọn người được hỏi trước. Cách đơn giản nhất để lựa chọn người được hỏi khi chỉ có hai người là tung đồng xu. Sau khi bạn tung đồng xu, hãy hiểu rằng sẽ đến lượt của bạn sau khi người được hỏi đã trả lời xong các câu.
– Đừng lợi dụng trò chơi này để thu thập thông tin và từ chối chơi sau khi người được hỏi đã trả lời xong. Trò này nên được chơi theo kiểu công bằng.
– Đặt câu hỏi. Đặt 21 câu hỏi cho người được hỏi dựa theo danh sách đã nhất trí từ trước về các câu hỏi quá đáng. Nếu đang chơi với một người bạn, hãy hỏi những câu giúp bạn hiểu hơn về bạn của mình, tình bạn và sở thích của người bạn đó. Nếu đang chơi với một người mà bạn yêu, hãy hỏi các câu về cuộc sống, lai lịch, mối quan hệ của bạn và nhu cầu của họ.[5]
– Trò chơi này có thể rất phù hợp với những đôi mới yêu muốn tìm hiểu thêm về nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng.
– Trò chơi này cũng phù hợp để xóa nhòa cảm giác lạ lẫm với một người mới quen, và bạn nên hỏi các câu cơ bản theo kiểu làm quen hoặc vô hại hơn là những câu sâu sắc hoặc riêng tư.
– Thực hiện lượt của bạn. Sau khi đặt câu hỏi xong, hãy thực hiện lượt của bạn! Bạn sẽ tự trả lời các câu mà bạn đã hỏi, hoặc trả lời những câu hoàn toàn mới. Hãy cho người hỏi thấy được đúng những gì họ đã dành cho bạn và trả lời các câu hỏi một cách thành thật và ngắn gọn.
– Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi trả lời câu hỏi, hãy mạnh dạn yêu cầu một câu hỏi khác. Trò này đã chơi là phải vui, chứ không phải là gây cáu giận hoặc tổn thương về cảm xúc.
Các dạng câu hỏi:
Hỏi các câu cơ bản. Để bắt đầu, hãy hỏi các câu cơ bản về màu sắc ưa thích, người nổi tiếng đầu tiên mà họ mến mộ, hoặc nơi họ lớn lên. Lúc đầu bạn cần đặt câu hỏi nhỏ, dễ trả lời để tạo dựng niềm tin giữa người hỏi và người được hỏi.[6]
Hỏi các câu “ưa thích” kiểu như: “Tuổi ưa thích của anh/chị là gì?” “Địa điểm ưa thích mà anh/chị muốn ghé thăm là đâu?” “Trong trường học, điều gì khiến anh/chị ưa thích?” “Kiểu du lịch ưa thích của anh/chị là gì?”
Hỏi các câu “sẽ làm gì nếu”. Bạn có thể hỏi: “Anh/chị sẽ làm gì nếu có thể quay trở về một thời điểm nào đó trong quá khứ?” “Anh/chị sẽ làm gì nếu biết bay?” “Anh/chị sẽ làm gì nếu có ngón tay trên chân và có ngón chân trên tay?”
Tiếp tục dựa theo các câu đã hỏi. Sau khi hỏi các câu cơ bản, bạn có thể hỏi những câu riêng tư hơn, hoặc đặt câu hỏi dựa theo những câu đã hỏi và câu trả lời mà bạn nhận được.
Để hỏi dựa theo câu trả lời mà bạn nhận được, hãy lắng nghe câu trả lời và đặt câu hỏi có liên quan kiểu như: “Nỗi sợ lớn nhất của anh/chị là nhện, vậy anh/chị sẽ làm gì nếu chuyển đến một căn nhà có nhện ở khắp mọi nơi?”
Để hỏi các câu riêng tư hơn, bạn có thể nói kiểu như: “Người mà anh muốn gặp nhất trong quá khứ hoặc hiện tại là Susan B. Anthony. Tại sao cô ấy lại quan trọng với anh đến vậy?”
Hỏi các câu đòi hỏi câu trả lời sáng tạo. Một số câu hỏi có thể đơn giản (chẳng hạn như “Phim ưa thích của anh/chị là phim nào và tại sao?”), nhưng cũng có những câu đòi hỏi phải suy nghĩ một chút. Kể cả khi bạn đang hỏi nghiêm túc, hãy hỏi các câu đòi hỏi chút sáng tạo hoặc khéo léo khi trả lời.[7]
Hỏi các câu ngây ngô kiểu như: “Một nhà tạo mẫu tóc sẽ nhờ nhà tạo mẫu khác cắt tóc cho mình hay tự cắt tóc?” hoặc “Nếu xe cứu thương lỡ khiến ai đó bị tai nạn trong lúc đang đi cứu một người khác, nhân viên cấp cứu sẽ lựa chọn cứu ai?”
Bạn cũng có thể hỏi các câu nghiêm túc kiểu như: “Nếu thế giới đến ngày tàn và anh/chị phải cứu một người, anh/chị sẽ cứu ai?” hoặc “Nếu mối quan hệ của anh/chị bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, anh/chị sẽ làm gì để cố gắng cứu vãn tình hình?”
Hỏi về gia đình và lai lịch. Bất kể đang chơi với một người bạn hay người mà bạn yêu, bạn luôn có thể tìm hiểu về gia đình và lai lịch của người khác. Việc hỏi về gia đình có thể giúp bạn biết thói quen và truyền thống của người đó, còn việc hỏi về lai lịch có thể giúp bạn hiểu về sự khác biệt văn hóa hoặc ý tưởng thú vị mà họ có thể đang có.
Khi hỏi về gia đình, bạn có thể hỏi các câu kiểu như: “Ai đã nuôi anh/chị lớn khôn?” “Gia đình của anh/chị có khăng khít không?” “Anh/chị có truyền thống gì đặc biệt trong ngày nghỉ lễ hay không?”
Khi hỏi về lai lịch, bạn có thể hỏi các câu kiểu như: “Anh/chị có biết tổ tiên xuất thân từ đâu không?” “Anh/chị có tổ chức ngày lễ đặc biệt nào trong quá trình lớn lên không?”
Khi nhắc đến gia đình và lai lịch, hãy nhớ rèn luyện độ nhạy, vì đây đều là chủ đề rất riêng tư, đòi hỏi sự thân ái và thái độ cởi mở.
Hỏi về mối tình xưa và sở thích. Các câu hỏi về mối tình xưa có thể sẽ ngây ngô, thú vị hoặc đem lại thông tin hữu ích. Khi quyết định đặt câu hỏi về mối tình xưa, hãy cân nhắc về mục đích của trò chơi. Bạn đang chơi với mục đích gắn kết hơn với người cùng chơi, hay thoát khỏi cảm giác nhàm chán vào cuối tuần?[9]
Nếu muốn gắn kết hơn với người cùng chơi, bạn có thể hỏi các câu kiểu như “Anh/chị dành nụ hôn đầu cho ai?” “Buổi hẹn hò tuyệt vời nhất của anh/chị là khi nào và tại sao đó lại là buổi hẹn tuyệt vời nhất?” “Anh/chị có mơ mộng về điều gì không?”
Nếu đang hỏi mấy câu ngây ngô, bạn có thể hỏi kiểu như: “Nụ hôn vụng về nhất của anh/chị ra sao?” “Anh/chị đã từng hắt hơi vào mặt người yêu chưa?” “Theo anh/chị, quen nhau được bao lâu thì có thể đánh rắm gần người yêu?”
Hỏi về mục tiêu và hoài bão. Khi hỏi về mục tiêu và hoài bão, bạn cũng phải hết sức tinh tế, vì bạn không nên cười hoặc coi thường ước mơ của người khác. Khi hỏi mấy câu dạng này, bạn có thể giữ thái độ vui vẻ, nhưng tránh chế nhạo câu trả lời của người cùng chơi.[10]
Có thể kể đến một số câu hỏi nhẹ nhàng kiểu như: “Hồi 5 tuổi, anh/chị muốn trở thành ai?” “Anh/chị cho rằng mình sẽ ra sao trong 10 năm tới?” “Anh/chị có mong rằng sẽ nổi tiếng vào một ngày nào đó?”
Có thể kể đến một số câu hỏi nghiêm túc hơn về mục tiêu kiểu như: “Anh/chị muốn có thứ gì hơn mọi thứ khác trên thế giới?” “Nếu anh/chị có thể làm bất kỳ điều gì khi mà không còn phải lo nghĩ về tiền bạc và cuộc sống, anh/chị sẽ làm gì và tại sao?”
Sưu tầm: Nguyễn Hồng Nhung
Video minh họa: https://www.youtube.com/channel/UCkgnRv5iiEWdr_S072jGElQ
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #datcauhoivatraloi; #dat-cau-hoi-va-tra-loi; #thuvientrochoi