“Đi cầu đôi” là một trò chơi dân gian thường tổ chức vào dịp hội làng của người Cao Lan ở thôn 13, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Người Cao Lan cho rằng nó vốn xuất phát từ việc bắc cầu để đi qua những dòng suối, khe núi và sau đó trở thành trò chơi của thanh niêm nam, nữ Cao Lan.
Tên trò chơi:
Trò chơi “đi cầu đôi”, “Pay kìu”.
Thể Loại trò chơi:
Trò chơi dân gian.
Dân tộc/ Khu vực chơi:
Phú Thọ – Việt Nam
Mục đích, ý nghĩa trò chơi:
– Trò chơi dân gian là “món ăn tinh thần” quan trọng gắn bó với kỉ niệm tuổi thơ của rất nhiều người Việt Nam.
– “Đi cầu đôi” là trò chơi dân gian yêu cầu kỹ thuật cao ở người chơi cũng như việc làm cầu để chơi, vì thế thường chỉ được tổ chức vào những dịp hội làng. Trò chơi luôn tạo không khí thi tài, rèn luyện cho thanh niên sự khéo léo, nhịp nhàng, giúp người chơi thêm can đảm khi đi trên những thân cây độc mộc.
Số lượng người chơi:
Chủ yếu là thanh niên nam nữ, thường từ 18 tuổi trở lên.
Số người chơi được chia thành từng đôi, thông thường là một nam một nữ.
Chuẩn bị chơi:
Không gian chơi:
Ở những khoảng trống bằng phẳng, không bị lún, sụt và không vướng người qua lại.
Dụng cụ chơi:
– Hai cây tre đực già, thẳng, dài 1,5m, đường kính 15cm để làm trụ cầu và một đoạn dài 70cm làm chốt ngang.
– Hai cây tre đực già, thẳng dài khoảng 5cm, đường kính khoảng 10cm dựng chụm ở giữa để làm cầu.
– Hai khúc tre hoặc gỗ thẳng, dài 60cm, đường kính 12cm làm đòn kê ở hai đầu cầu tre.
Cách chơi, luật chơi:
– Dựng hai cây tre làm trụ ở giữa, hai cây tre làm cầu bắc hai phía và được chốt chắc chắn bằng đoạn tre dài 70cm. Kê hai đầu cầu tre lên hai khúc tre ngắn để tạo độ đàn hồi cho cây cầu.
– Bốc thăm hoặc thoả thuận để xác định thứ tự lượt đi của các đôi, mỗi người chơi đứng ở một đầu cầu, sau khi hai người trưởng trò hô “bắt đầu”, hai người chơi cùng đi lên cầu. Hai người chơi một lần, mỗi người sẽ đi từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia. Người chơi không được cầm que chống hay dựa, bám vào thân cầu, điểm tránh nhau là thanh chốt ngang. Nếu một trong hai người chơi bị trượt khỏi cầu thì cả hai người sẽ phải đợi đến lần sau để đi lại, thời gian cả hai lần đi cầu sẽ bị tính.
– Người chơi khi đi trên cầu, hai tay dang ngang để giữ thăng bằng, chân bước từng bước một, bàn chân xoay ngang để dễ dàng bước các nhịp tiếp theo. Cây tre làm cầu sẽ rung theo nhịp bước bởi vậy cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai người, để hai người cùng bước với khoảng cách tương ứng nhau. Khi đến giữa cầu, cũng là điểm giao nhau giữa hai câu tre làm cầu bằng cây chốt, hai người chơi đổi vị trí cho nhau để đi về phía đầu cầu bên kia, cách đi cũng tương tự như khi đi lên.
– Các đôi lần lượt đi cầu theo thứ tự đã phân định, đôi nào đi cầu không bị trượt chân lần nào, với thời gian ngắn nhất sẽ được công nhận là đôi chơi giỏi nhất trong lễ hội.
Sưu tầm: Trịnh Thị Quỳnh Trang
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags:#dicaudoi; #thuvientrochoi