CHỌI CỎ LẸ
Có một câu chuyện dân gian kể rằng: ngày xưa, các cô thiếu nữ trẻ đi lấy củi trong rừng xa, khi nghỉ dừng chân để lấy sức, chợt nghe có tiếng quả tách vỏ, rồi tiếng hạt rơi vào mặt vách đá, tiếng hạt búng vào nhau nghe “lách cách, lách cách” rất vui tai, các cô thiếu nữ vui vẻ nhặt hạt quả bỏ vào giỏ mang về. Ban đầu họ rủ nhau chơi rồi các bà các mẹ cũng muốn xin chơi cùng. Cứ thế, trò chơi “Chọi quả lẹ” thu hút các chị em phụ nữ chơi và thậm chí là cả nam giới và được lan rộng dần dần từ bản này sang bản kia, từ nơi này sang nơi khác, từ đời xưa lưu truyền đến ngày nay và trở thành một trò chơi khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc. Mỗi khi công việc nương rẫy mùa vụ hoàn thành, họ lại rủ nhau mang hạt má lẹ ra chơi để xua đi những vất vả, mệt mỏi thường ngày, vang lên những tiếng cười khỏe khoắn, nhân lên những niềm vui.
Trò chơi “Chọi quả lẹ” được biết đến với nhiều cái tên khác như: “Tó má lẹ” hay “Tó mắc lẹ”, “Tó mặc lẹ”. Bởi “Tó” trong tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Chọi”, còn “má lẹ” là là một loại hạt quả của loài cây dây leo trong rừng.
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Mục đích, ý nghĩa:
– Trò chơi dân gian “Chọi quả lẹ” rèn cho người chơi sự tập trung nhưng vẫn đem lại không khí vui vẻ, tinh thần đoàn kết cho thấy đời sống văn hóa tinh thần phong phú của dân tộc Thái miền Tây Bắc.
Chuẩn bị:
Người chơi
- Trò chơi của dân tộc Thái luôn mang tính cộng đồng, “Chọi quả lẹ” cũng thế, thu hút được rất nhiều đối tượng – lứa tuổi tham gia, càng đông càng vui (ít nhất 2 người). Người chơi chia thành các nhóm đều nhau và trổ tài thi đấu.
Không gian chơi
- Bãi đất trống, bằng phẳng hoặc sân rộng sạch sẽ, cũng có thể chơi dưới gầm sàn.
- Sân chơi gồm 3 vạch:
+ vạch 1: là vạch xuất phát, được kẻ ở đầu sân
+ vạch 2: cách vạch 1 ít nhất là 3m, là vạch để người chơi đánh dấu điểm đánh
+ vạch 3: cách vạch 2 khoảng 1m hoặc ngắn hơn tùy theo khả năng người chơi.
Dụng cụ chơi
Quả má lẹ: là loại quả dẹt vỏ cứng có hình dáng và kích cỡ như quả của cây phượng vĩ, mỗi quả má lẹ có 4-5 hạt. Má lẹ có hai loại là má lẹ káy và má lẹ quai: “káy” trong tiếng Thái nghĩa là con gà – má lẹ káy dẹt tròn đều, nhỏ hơn kích thước hạt, “quai” nghĩa là con trâu – má lẹ quai có dóng to dài, hạt cũng to hơn nhưng hình dáng lại không được tròn đều cho lắm.
- Tạo vạch sân chơi bằng cách vẽ vạch trên nền hoặc dùng dây/vật cản làm vạch.
Kỹ thuật
- Kỹ thuật chọn quả lẹ: để luôn gặp may, dành phần thắng, người chơi cần có kinh nghiệm chọn hạt má lẹ có hình tròn đều, to dày, bán kính trên dưới 4cm dày chắc, cầm nặng tay, có độ bóng đẹp.
- Kỹ năng: cách chơi “Chọi quả lẹ” không khó, tuy nhiên lại yêu cầu người chơi cần có sự khéo léo, tính kiên trì bền bỉ và tính đoàn kết tinh thần đồng đội cao.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
- “Chói quả lẹ” có 4 phần chơi chính. Trước mỗi phần chơi, để xác định đội nào chơi trước bằng cách tung quả lẹ cái về phía trước, đội nào ném gần vạch hơn thì được quyền chơi trước.
+ Phần chơi 1: người chơi đứng từ vạch xuất phát, quỳ gối, đặt quả lẹ trên đầu gối, dùng tay bắn quả lẹ.
+ Phần chơi 2: người chơi vẫn đứng ở vạch xuất phát, đầu gối hạ thấp hơn, người cúi khom, dùng ngón tay trỏ bật quả lẹ.
+ Phần chơi 3: Người chơi đứng ở vạch xuất phát, đặt quả lẹ lên 5 ngón chân rồi nhảy qua quả lẹ cái mà không được làm rơi. Sau đó dừng chân lại và dậm chân đẩy sao cho quả lẹ trên chân trúng vào đích – là quả lẹ của đối phương.
+ Phần chơi 4: bắn trên đất – quả lẹ được đặt sát mặt đất rồi bật về phía trước đích, tức là qua vạch đích hoặc trúng quả lẹ đối phương.
- Sau 4 phần chơi, Quản trò sẽ tính điểm của mỗi vòng để xác định đội thắng.
Sưu tầm: Vũ Thị Nhật Lệ
Video minh họa:
https://www.youtube.com/watch?v=DYL5RKCH0mM
https://www.youtube.com/watch?v=OVaamLNkjTc
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #choiquale; #choi-qua-le; #thuvientrochoi